Áp dụng nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phù hợp để giảm nghèo bền vững

NDO - Theo các đại biểu Quốc hội, muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc cho "con cá" và "cần câu" phải được cân nhắc áp dụng phù hợp cho từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm, đồng thời cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00

Tách bạch mục tiêu trong từng chính sách hỗ trợ

Chiều 30/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, về mục tiêu chính sách của Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.

Áp dụng nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phù hợp để giảm nghèo bền vững ảnh 1

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: DUY LINH)

Trong khi đó, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau: Nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do tuổi già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng, do không chăm chỉ…

Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế.

Đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất, còn chính sách an sinh xã hội, trợ giúp hộ đói, hộ nghèo nên hướng tới các đối tượng là người già, người yếu thế không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vì các đối tượng này nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất.

Đại biểu cho rằng việc tách bạch mục tiêu này sẽ giúp phát huy toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo.

Áp dụng nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phù hợp để giảm nghèo bền vững ảnh 2

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, chiều 30/10. (Ảnh: DUY LINH)

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, đại biểu cho rằng ở giai đoạn này cách tiếp cận chính sách của hỗ trợ sản xuất đã có sự thay đổi. Theo đó, từ chỉ hỗ trợ cho người dân "con cá" sang hỗ trợ "cần câu".

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy đâu phải ai có "cần câu" cũng đều biết cách câu. Chính vì thế, trong thời gian qua, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình kinh tế triển khai ở các địa phương, phần lớn mức chi và tổ chức thực hiện vẫn còn theo cách làm cũ”, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu rõ.

Điều này khiến chất lượng cuộc sống người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất. Đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc cho "con cá" và cho "cần câu" cần phải được cân nhắc áp dụng phù hợp cho từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm.

Nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay quan trọng nhưng không nên làm đại trà trong một thời gian dài, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung kiến nghị chỉ tập trung hỗ trợ "cần câu" cho những “người biết câu”, chuyển từ hình thức cho không là chủ yếu sang cho vay.

Tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Áp dụng nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phù hợp để giảm nghèo bền vững ảnh 3

Đại biểu K'Nhiễu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: DUY LINH)

Tại phiên thảo luận, đại biểu K'Nhiễu (Lâm Đồng) nêu quan điểm việc thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.

Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đang và sẽ đối diện với những thách thức như việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai canh tác truyền thống, tình trạng thiếu đất sản xuất đất rừng bị tăng lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương…

Đại biểu khẳng định, nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, nhiều vướng mắc về đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Từ đó, đại biểu K'Nhiễu đề nghị thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là quỹ đất nông lâm trường cần thực hiện theo Điều 182 của Luật Đất đai hiện hành.

Đại biểu nêu thực tế nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ nhiều năm và dựa vào đó làm kế sinh nhai qua nhiều thế hệ. Đây là vấn đề rất khó khăn cho công tác quản lý con người về đất rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn Tây Nguyên.

Do đó, đại biểu K'Nhiễu kiến nghị cần tập trung, thu gom người dân vào sinh sống, sản xuất tại vùng đất đã được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư tự do.

Nhiều người dân vùng sâu, vùng xa chưa được sử dụng điện lưới quốc gia

Áp dụng nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phù hợp để giảm nghèo bền vững ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: DUY LINH)

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho biết, đất nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với sự phát triển rất phong phú, đa dạng của các ngành khoa học. Việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội lên một tầm cao mới.

Thế nhưng, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại. Đại biểu cho rằng đây là sự thiệt thòi vô cùng lớn của những người dân sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn.

Tại Tờ trình số 3462 của Bộ Công Thương về đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn, bản trên địa bàn 3.099 xã thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng nguồn vốn khoảng 29.779 tỷ đồng. Như vậy, với số lượng hộ dân được thụ hưởng là rất lớn, đa số là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Theo đại biểu, đến thời điểm này, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, do đó, không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện...

Áp dụng nguyên tắc cho “con cá” và “cần câu” phù hợp để giảm nghèo bền vững ảnh 5

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, chiều 30/10. (Ảnh: DUY LINH)

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức cấp xã là đội ngũ gần dân, sát dân, hiểu dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, song trong thời gian gần đây, có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi, ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do áp lực của cán bộ, công chức cấp xã rất lớn, số lượng người ít, nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện và rất nhiều việc mới, việc khó. Bên cạnh đó, tiền lương của đội ngũ này rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực ra thì hầu như không có phụ cấp khác.

Do đó, đại biểu nhấn mạnh, nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với nhân dân bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, có thể sẽ thành rào cản cho sự phát triển kinh tế-xã hội và việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.