Bão số 4 tiếp tục diễn tiến phức tạp
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, hồi 16 giờ ngày 27/9, bão số 4 ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 252km về phía Đông, cách Quảng Nam khoảng 234km, cách Quảng Ngãi khoảng 205km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14, giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4. Dự báo triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23 giờ ngày 27/9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).
Gió thực đo tại một số trạm lúc 16 giờ: Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 4; Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 7, giật cấp 10; Song Tử Tây (Khánh Hòa) cấp 5; Phú Quý (Bình Thuận) cấp 6.
Về công tác sơ tán, bảo đảm an toàn dân cư
Các tỉnh từ Quảng Trị-Bình Định rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người.
Kết quả đến 18 giờ ngày 27/9 đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71% (Quảng Trị: 4.124/12.926, Thừa Thiên Huế: 2.552/8.407, Đà Nẵng: 9.300/ 30.721, Quảng Nam: 39.897/123.714, Quảng Ngãi: 23.006/68.034, Bình Định: 5.109/14.729).
Các lực lượng chức năng giúp nhân dân Đà Nẵng sơ tán đến vùng trú tránh an toàn. (Ảnh: Đức Lâm). |
8 tỉnh, thành phố Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9.
Hiện có 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú (Lý Sơn, Cù Lao Chàm). Tổ chức nhắn 21,47 triệu tin nhắn cảnh báo, hướng dẫn ứng phó bão. Các địa phương cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao.
Tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với bão số 4
Để ứng phó với những diễn biến khó lường của bão số 4, Ban Chỉ đạo tiền phương yêu cầu các địa phương:
Tăng cường, duy trì lực lượng trực ban 24/24, kịp thời báo cáo khi có tình huống.
Các lực lượng chức năng giúp nhân dân Đà Nẵng sơ tán đến vùng trú tránh an toàn. (Ảnh: Đức Lâm) |
Ưu tiên dành tối đa thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác chỉ đạo điều hành và diễn biến của bão số 4.
Theo dõi sát thông tin, diễn biến bão, mưa lũ sau bão để kịp thời chỉ đạo xử lý khi có tình huống.
Kiểm soát chặt chẽ, không cho người dân trở lại lồng bè, chòi canh khi bão chưa tan.
Điều tiết, phân luồng giao thông và khuyến cáo người dân không ra đường từ đêm 27/9 đến khi bão tan. Xem xét dừng một số hoạt động sản xuất để hạn chế tối đa người dân tham gia giao thông trong thời gian bão đổ bộ.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.
Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tại công trình đang thi công, trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu để kịp thời xử lý các tình huống.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có tình huống.
Chỉ đạo các lực lượng quân khu, quân đoàn cơ động đến các vị trí trọng điểm để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra