Bội thu xuất khẩu gạo
Những ngày cuối năm, không khí sản xuất tại Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vẫn rất sôi nổi để kịp trả các đơn hàng cuối cùng của năm 2023. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã kín các đơn hàng của năm 2023. Mỗi năm, Tập đoàn Lộc Trời xuất sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Ngoài ra, có lượng lớn gạo chất lượng cao xuất sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Công ty đang chuẩn bị cho các đơn hàng năm 2024. Đặc biệt, giá bán các sản phẩm gạo tại EU đang ở mức rất khả quan.
Tập đoàn Lộc Trời đã có một năm bội thu cả ở sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo khi ngày càng khẳng định được giá trị thương hiệu gạo Việt Nam, đóng góp tích cực cho một vụ mùa bội thu của xuất khẩu gạo.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết nửa đầu tháng 12, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo với trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020 và hiện đạt 85%. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn, có xu hướng tăng trưởng qua các năm, giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD/năm.
Đặc biệt, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường khi vừa qua, gạo ST25 một lần nữa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Kết quả này cũng góp phần giúp ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu từ ngày 19/12.
Cùng ST25, 10 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm Jasmine 85, ST24, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào cũng được EU chấp nhận cho hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 6,42 triệu tấn gạo với trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 551 USD/tấn, tăng 16,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu chiếm 1,6% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, với kết quả như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có thể đạt khoảng 100.000 tấn, con số cao nhất từ trước đến nay và vượt hạn ngạch của Hiệp định EVFTA. Lượng gạo tuy không quá lớn nhưng mang lại giá trị gia tăng rất cao. Đây cũng là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ của Việt Nam.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu cũng liên tục tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần 3 của tháng 12, giá gạo Việt Nam luôn neo ở mức 663 USD/tấn, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.
Đánh giá về thành tích xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận: Khi Ấn Độ chiếm hơn 40% nguồn cung gạo trên thế giới ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, đó là cơ hội cho các nguồn cung khác trên thị trường. Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là đã tranh thủ thời cơ để gia tăng nguồn thu, lợi nhuận cho bà con nông dân.
Tạo đà cho năm 2024
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Hiện một số nước, trong đó, có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn. Hay như Philippines, một đối tác quan trọng khác của Việt Nam, ngay trong năm 2023 này, ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.
Liên kết chuỗi để phát triển bền vững ngành lúa gạo. |
Như vậy, cơ hội là có, song cơ hội luôn đi cùng thách thức. Thách thức lớn nhất là gạo Việt Nam đa phần chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao… Do đó, để duy trì tăng trưởng bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.
Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được khuyến cáo cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo “hiến kế”, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị. Phát triển nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường hay còn gọi là nền nông nghiệp Net Zero. Phát triển vựa lúa-cá-tôm-trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng "thuận thiên" mà Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã vạch ra.
Hiện các doanh nghiệp lớn của cả nước như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn Thái Bình Seed… đã và đang “bắt tay” với người nông dân nhằm tạo ra chuỗi cung ứng bền vững cho ngành lúa gạo. Đồng thời dần hướng tới sản xuất gạo theo đúng tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Sản xuất thứ mà thế giới cần thay vì thứ mà ta có chính là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.