Nâng giá trị lúa gạo Việt

Những năm qua, nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo. Ngành hàng lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội và không ít thách thức. Việc cơ cấu lại nhằm bảo đảm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo trách nhiệm, bền vững là vấn đề cấp thiết giúp nâng tầm giá trị lúa gạo Việt trên thị trường thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
 Nông dân tỉnh Hậu Giang đưa nhiều phương tiện cơ giới hiện đại vào các khâu trong quá trình sản xuất lúa.
Nông dân tỉnh Hậu Giang đưa nhiều phương tiện cơ giới hiện đại vào các khâu trong quá trình sản xuất lúa.

Đồng bằng sông Cửu Long luôn là vựa lúa gạo lớn nhất cả nước. Những năm gần đây, sản lượng lúa sản xuất tại vùng luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm hơn 50% sản lượng lúa sản xuất và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Thống kê 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch khoảng 4,4 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, những năm qua, Việt Nam đã tập trung nghiên cứu phát triển giống lúa, tỷ trọng sử dụng giống lúa xác nhận không ngừng tăng; các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến được tăng cường áp dụng. Chế biến gạo ngày càng phát triển, nhiều công nghệ hiện đại được đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm hao hụt sau thu hoạch. Nhờ đó, dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng và chất lượng lúa gạo Việt vẫn ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Thông qua dự án VnSAT, người trồng lúa đã bước đầu quen thuộc với các quy trình canh tác bền vững, hướng tới giảm phát thải. Mới đây, Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Chính phủ đã được phát động tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thực tế khẳng định: Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt.

Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong 10 năm tới với mức tăng bình quân 1,5%/năm; thị trường lúa gạo rộng mở hơn khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại mới... Tuy nhiên, ngành lúa gạo cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.

Theo nhiều chuyên gia, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo nước ta vẫn còn thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp. Thu nhập của nông dân trực tiếp sản xuất lúa vẫn còn thấp. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, chịu tác động tiêu cực từ môi trường và biến đổi khí hậu…

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, tái cơ cấu ngành lúa gạo đang là vấn đề cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo.

Qua đó, trước hết là nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm lợi ích bình đẳng, tương xứng cho các tác nhân tham gia ngành lúa gạo. Ngành hàng lúa gạo phải bảo đảm nguồn cung đạt chất lượng cao phục vụ trong nước ở mọi thời điểm và luôn có đủ gạo dự trữ cho trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Về xuất khẩu, gạo Việt phải có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, có giá trị gia tăng cao và bảo đảm phát triển bền vững đối với môi trường, bảo vệ tài nguyên, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Son (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng, thực tế, các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc. Tư duy sản xuất, kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững; thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị…

Để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo trách nhiệm và bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và nâng tầm giá trị lúa gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần tập trung nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo được xem là một giải pháp căn cơ mang tính chiến lược khi ngành hàng lúa gạo phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn bên trong.

Bên cạnh việc xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam, việc phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh cần thực hiện rốt ráo, hiệu quả.

Mới đây, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam chính thức được thành lập và Đề án thí điểm thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long là những tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành hàng lúa gạo. Cùng với đó, việc đổi mới cơ chế, chính sách, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cùng sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị... hy vọng sẽ tạo được những bước đột phá mới, giúp nâng tầm giá trị lúa gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới.