Xuất khẩu gạo sẽ cán mốc lịch sử
Tại hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” tổ chức mới đây, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, mục tiêu của ngành lúa gạo là xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo (tương đương năm 2022 là 7,1 triệu tấn) nhưng đến hết tháng 11 đã đạt tới 7,8 triệu tấn.
Phân tích cụ thể, ông Hòa cho biết, xuất khẩu gạo lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những con số kỷ lục, cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây. Đáng chú ý, sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, đạt hơn 2,3 tỷ USD. Trong đó, thị trường số 1 của gạo Việt Nam là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
“Với những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu gạo trong tháng 12 này, dự báo cả năm, xuất khẩu gạo sẽ cán mốc lịch sử 8 triệu tấn, giá trị ít nhất 4,6 tỷ USD”, ông Hòa tin tưởng.
Về diễn biến giá xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dù tương đối phức tạp song giá gạo của Việt Nam theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, đầu năm 2021, giá gạo đạt ngưỡng 550 USD/tấn, đến khoảng giữa năm 2022, con số này giảm xuống sát 460 USD/tấn, sau đó tăng cao đột biến trong năm 2023. Tháng 10/2023, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 640 USD/tấn, trở thành con số lịch sử; đến ngày 21/12 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 660-665 USD/tấn, nhiều lô hàng xuất lẻ có giá cao hơn mức này, có doanh nghiệp xuất khẩu với giá 680 USD/tấn.
“Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới vẫn có dấu hiệu tiếp tục duy trì đà tăng cao như Chính phủ Philippines đã yêu cầu các thương nhân trong nước tăng cường nhập khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực; hay Indonesia cũng dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 từ Thailand, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Điều này thúc đẩy giá gạo Việt Nam lên cao”, ông Nam lý giải.
Những khó khăn
Dù thị trường xuất khẩu gạo được dự báo là khả quan, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng cho rằng, khi giá gạo tăng cao, khó khăn lớn nhất là xoay xở nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp phải xoay xở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.
“Hiện nay, các ngân hàng có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành. Doanh nghiệp giống như có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh”, ông Thuận chia sẻ.
Ngoài vấn đề về vốn, ông Nguyễn Duy Thuận cũng lo ngại về việc phải bảo đảm được sự cam kết của nông dân khi có sự thay đổi về giá lúa trên thị trường. Bởi trên thực tế, tình trạng vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.
“Doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường. Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. Bảo đảm chất lượng, uy tín thương hiệu để giữ được thị trường đang xuất khẩu ổn định”, ông Thuận nêu rõ.
Nhìn nhận về những khó khăn của ngành gạo, ông Lê Thanh Hòa cũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế và vướng mắc lớn, gồm: Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của tác nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo; sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, hiện thị trường lúa gạo đang diễn ra xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Nắm bắt cơ hội?
Sang năm 2024, dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi, năm 2024 do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo… “Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.”, ông Hòa nhìn nhận.
Để nắm bắt cơ hội, ông Lê Thanh Hòa đề xuất tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, bảo đảm gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
“Bộ Công thương tập trung nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá, dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết được bền vững”, ông Hòa đề xuất.
Còn theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là với đơn vị năng lực tài chính yếu. Với những doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, nhằm giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gom giá cao để đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao. Từ đó dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm vào tay doanh nghiệp Thailand vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh với gạo thơm Việt Nam.
Vì vậy, với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các cơ quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các mặt công tác chuyên môn của ngành hàng lúa gạo như đẩy mạnh xuất khẩu gạo thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa trong khu vực nông dân, nhất là vào các thời điểm thu hoạch rộ, giúp bình ổn giá gạo trong nước và góp phần bảo đảm nguồn gạo dự trữ quốc gia.