Ngành hải quan triển khai tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm

NDO - Chiều 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Dự hội nghị, có các đồng chí: Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính; Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Hải quan.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Nỗ lực bảo đảm số thu ngân sách nhà nước

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, tổng trị giá xuất, nhập khẩu năm 2023 là 619,36 tỷ USD, giảm 8,2% (tương ứng giảm 55,56 tỷ USD so cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu là 322,61 tỷ USD, giảm 5,8% (giảm 20,01 tỷ USD) và nhập khẩu là 296,75 tỷ USD, giảm 10,7% (giảm 35,55 tỷ USD). Tính trong năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã xuất siêu 25,86 tỷ USD.

Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 là 425.000 tỷ đồng. Nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu, Tổng Cục trưởng Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 479/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu.

Kết quả, tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu từ 1/1 đến 30/11/2023 đạt 335.116 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán, giảm 16,8% so cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trên cơ sở dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh giảm đối với dự kiến thu ngân sách năm 2023 là 355.000 tỷ đồng, bằng 83,5% dự toán.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã đạt được kết quả này trong bối cảnh thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tổng thu ngân sách trong năm 2023 bằng 94,39% so với số đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh giảm.

Nguyên nhân số thu giảm so cùng kỳ năm trước là do kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhập khẩu là nguồn thu chính có kim ngạch giảm so cùng kỳ năm 2022 như: Nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất ; nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 7,6 triệu tấn, trị giá đạt 6,3 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 1,4% về trị giá, làm giảm thu khoảng 2.400 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tại Hội nghị, nợ thuế đến ngày 30/11/2023 là hơn 5.387 tỷ đồng, giảm 465,75 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022 (tương đương với 7,95%). Số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2023 đạt 905,8 tỷ đồng. Trong đó, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu hồi nợ thuế tốt như: Thành phố Hồ Chí Minh đạt 683 tỷ đồng, Hà Nội đạt 74 tỷ đồng, Bình Dương đạt 36 tỷ đồng, Tây Ninh đạt 29 tỷ đồng, Lạng Sơn đạt 15 tỷ đồng.

Tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường; tập trung vào việc: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành: các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; Kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023...

Kết quả, năm 2023 , toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.618 vụ việc vi phạm, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521,26 tỷ đồng (tăng 98,9% ), thu nộp ngân sách 474,3 tỷ đồng (tăng 11%). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ (giảm 24%) và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ (tăng 48%).

Đáng chú ý, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi: cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người... tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Đặc biệt, tình hình tội phạm ma tuý có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ...

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản cảnh báo nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống ma túy đạt kết quả. Kết quả, từ ngày 16/12/2022 đến 15/11/2023 ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 243 vụ với 277 đối tượng; tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại.

Tổng cục Hải quan đã triển khai Kế hoạch Kiểm soát rủi ro (KSRR) toàn ngành, phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, đề xuất các biện pháp KSRR phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm; Triển khai Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan.

Kết quả, từ ngày 1/1 đến 15/11/2023, tổng số 15.348 hồ sơ vi phạm được thiết lập (giảm 1.127 hồ sơ so với năm 2022); 46.934 lượt tổ chức cá nhân vi phạm bị xử phạt (giảm 2.872 lượt so năm 2022).

Hoạt động động kiểm tra sau thông quan toàn quốc tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện theo chiều sâu thông qua việc lập danh sách doanh nghiệp giao cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra theo các chuyên đề, các kế hoạch định hướng; kịp thời trả lời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; ban hành công văn cảnh báo về công tác kiểm tra, giám sát của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đối với hàng nông sản nhập khẩu qua biên giới đường bộ.

Trong năm 2023 , toàn ngành đã thực hiện kiểm tra 1.698 cuộc, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 901,74 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách số tiền là 170,42 tỷ đồng (tăng 111% so với cùng kỳ 2022).

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2023 được Bộ Tài chính phê duyệt. Công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các tồn tại, thiếu sót của đơn vị được kiểm tra, dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Hải quan; tăng cường công tác kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.

Toàn ngành đã thực hiện 113 cuộc thanh tra chuyên ngành, tổng số tiền kiến nghị truy thu trong toàn ngành là 208,513 tỷ đồng.

Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại

Tổng Cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, năm 2024, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số của ngành, đồng thời triển khai thực hiện các Nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu mô hình hải quan thông minh, số hóa các nghiệp vụ hải quan.

Toàn ngành tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan, xây dựng các giải pháp hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.

Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa Hải quan; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

Cùng với đó, quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024; tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu ngân sách; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.