Điện ảnh nhìn từ những bộ phim "Trăm Tỷ"

Ðiện ảnh là một trong những lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 do ảnh hưởng chung của dịch bệnh.

Phim “Mắt biếc”, chuyển thể từ tác phẩm văn học, đạt doanh thu 172 tỷ đồng.
Phim “Mắt biếc”, chuyển thể từ tác phẩm văn học, đạt doanh thu 172 tỷ đồng.

Dù vậy, vẫn có những bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Sự nỗ lực, khởi sắc ấy đã mang đến niềm tin trong giới làm nghề và khán giả; đồng thời khẳng định những bước hội nhập khả quan để đóng góp vào nền công nghiệp văn hóa mang nhiều tiềm năng.

Phim chuyển thể, làm lại lên ngôi

Tính từ tháng 1 đến tháng 8-2020, chỉ có 14 phim Việt Nam ra rạp, trong khi cùng kỳ năm 2019 có 41 phim ra rạp. Nửa cuối năm 2020, điện ảnh trong nước có những cú bứt phá đáng kể, trong đó phải kể tới những bộ phim đạt doanh thu cao: Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (175 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu 3 của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito (165 tỷ đồng) và bộ phim Ròm được Cục Ðiện ảnh cấp phép, phổ biến phim sau khi biên tập những hình ảnh, tình tiết được cho là nhạy cảm cũng đạt doanh thu 58 tỷ đồng.

Vài năm trở lại đây, đặc điểm chung của những bộ phim doanh thu cao là thường được chuyển thể từ tác phẩm văn học hoặc làm lại (remake) từ kịch bản phim nước ngoài. Tiệc trăng máu dựa trên kịch bản gốc của I-ta-li-a có tên Perfect Strangers (Người lạ hoàn hảo, 2016). Tiệc trăng máu giữ nguyên những yếu tố cốt lõi của kịch bản gốc như diễn biến, lời thoại, nhân vật… nhưng thêm các điểm nhấn sáng tạo khác, đặc biệt là sự cập nhật yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, câu chuyện nổi cộm trong đời sống hiện đại của xã hội Việt Nam. Trước đó, điện ảnh trong nước cũng có những bộ phim "Việt hóa" từ kịch bản nước ngoài thành công về doanh thu, giải thưởng, như: Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), đều "làm lại" từ kịch bản của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, loạt phim của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, gồm: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc… cũng đạt doanh thu cao và các giải thưởng ấn tượng.

"Cha đẻ" của loạt phim Gái già lắm chiêu là đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito, một trong số ít những đạo diễn lập hãng phim tư nhân để tự đầu tư cho các dự án của mình. Họ tự viết kịch bản, sản xuất phim và làm truyền thông. Quy trình "tự cung, tự cấp" này mang đến thành công về doanh thu từ bộ phim đầu tiên tới phim mới nhất. Các đạo diễn cho biết, họ không đơn thuần sản xuất một bộ phim điện ảnh mà đặt mục tiêu rõ ràng như một bài toán kinh doanh: Làm phim về cái gì, phim sẽ bán được cho ai, thu lại được bao nhiêu tiền? Bên cạnh đó, điểm nhấn quan trọng về văn hóa Việt, yếu tố thời đại, vùng miền… luôn được ê-kíp ý thức rõ, đầu tư kỹ lưỡng và thận trọng.

Có nhiều nhận định đa chiều phía sau thành công của những bộ phim chuyển thể, làm lại, trong đó có cả nỗi lo ngại trước vấn đề thiếu kịch bản, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng "ăn đong", "vay mượn"… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể cả những nền điện ảnh lớn, việc chuyển thể từ tác phẩm văn học hay làm lại từ kịch bản nước ngoài là điều bình thường. Thí dụ, Tiệc trăng máu có rất nhiều phiên bản: Ấn Ðộ, Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc… và việc Việt hóa thành công cần được nhìn nhận theo chiều hướng văn minh, tích cực. Thành công của bộ phim càng có ý nghĩa vào thời điểm nhiều rạp đóng cửa, nhiều cơ sở sản xuất đình trệ, khán giả ngại tới rạp vì dịch Covid-19. Ðạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng thở phào nhẹ nhõm và khẳng định, thành tích này xứng đáng với công sức đầu tư. Bên cạnh đó, ê-kíp làm phim cũng vui mừng khi thấy thị trường phim trong nước đã sôi động trở lại. Ðiều đó một lần nữa khẳng định, chất lượng phim là yếu tố quyết định kéo khán giả đến rạp.

Tiên phong để vững vàng hội nhập

Trong năm 2020, các liên hoan phim, tuần phim của nhiều nước diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với toàn bộ vé được phát miễn phí cho khán giả đã góp phần làm phong phú hơn trải nghiệm điện ảnh. Ðáng mừng, phim Việt vẫn chiếm số lượng lớn trong ba tháng cuối năm 2020. Ðiều này tác động tích cực tới tâm lý những người làm nghề và khán giả, trong giai đoạn khó khăn. Trong dịp Tết và chào xuân mới năm 2021, nhiều dự án phim Việt cũng hứa hẹn mức doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Có thể kể tới các dự án phim đang "sốt sắng" chờ ngày ra rạp: Bố già (bản điện ảnh), đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng; Trạng Tí phiêu lưu ký, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh; Lật mặt 5, đạo diễn Lý Hải; Gái già lắm chiêu 5, đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito.

Nhận định về điện ảnh Việt năm 2021, các chuyên gia cho rằng, xét về tổng thể, điện ảnh vẫn tăng trưởng. Trên thế giới, khi một số hãng phim lớn giảm số lượng dự án so cùng kỳ những năm trước, đồng nghĩa với cơ hội cho phim trong nước chiếm lĩnh thị trường, chinh phục khán giả. Nếu trước đây, phim đạt doanh thu cao chủ yếu thuộc thể loại tình cảm, hài hước thì gần đây các dự án phim Việt đã có sự chuyển mình sang thể loại khó hơn, nội dung bám sát đời sống văn hóa, xã hội, chú trọng yếu tố truyền thống dân tộc, số phận, tính cách con người. Tín hiệu này mang lại sự kỳ vọng về chiều sâu chất lượng của ý tưởng, kịch bản và kỹ thuật. Từ bước chuyển mình ấy, có thể nhận thấy, điện ảnh đang là một trong những lĩnh vực tiên phong đổi mới so với nhiều loại hình khác, như: văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh… Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xây dựng nền công nghiệp giải trí phát triển.

Trong giai đoạn khó khăn chung, những điểm sáng về điện ảnh nước nhà năm 2020 nói riêng và vài năm trở lại đây đã khẳng định thực lực một đội ngũ làm nghề tâm huyết, hội nhập, không ngại dấn thân để cùng lúc chinh phục cả công chúng, giới chuyên môn và sắp tới có thể là những giải thưởng điện ảnh uy tín trong nước và quốc tế. Lúc khó khăn, những người tâm huyết vẫn luôn biết cách vượt qua mọi thử thách, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, đó chính là những câu chuyện ấm áp, truyền cảm hứng tới xã hội. Chừng ấy, đủ để tin vào ngày mai tươi sáng.

MAI LỮ