Mở lại những cánh cửa

1 Ngay từ khi tham gia tổ chức không gian 60s Thổ Quan (phố Khâm Thiên, Hà Nội), Cao Trung Hiếu không đặt nặng mục đích kinh doanh. Hiếu muốn "bắc một cây cầu". Ðó là một không gian để kết nối những bạn trẻ say mê nghệ thuật và sáng tạo. "Ðiều bất ngờ nhất là chỉ một thời gian sau, các bạn đã "tự bắc cầu", Hiếu chia sẻ.

60s Thổ Quan là nơi nuôi dưỡng, khơi nguồn nhiều sáng tạo nghệ thuật.
60s Thổ Quan là nơi nuôi dưỡng, khơi nguồn nhiều sáng tạo nghệ thuật.

Trước khi không gian 60s ra đời, hai căn biệt thự và mấy dãy nhà cũ trong con ngõ Thổ Quan (phố Khâm Thiên, Hà Nội) nằm trong "vùng quên" của người Hà Nội. Những không gian thừa còn lại, được dùng làm bãi đỗ xe. Hiếu và một số người bạn thuê lại rồi cải tạo.

Hai ngôi biệt thự Pháp cổ kính nằm song song, được nối với nhau bằng một hành lang nhỏ; một dãy nhà "chốt" ở phía cuối khu đất đã tạo ra một cái sân giữa ba tòa nhà - vừa đủ để có những không gian đóng, lại có những không gian mở dành cho những hoạt động chung. Những người kiến tạo 60s không tác động quá nhiều. Họ chỉ bài trí, để tôn lên cái vẻ đẹp đượm màu thời gian của mấy dãy nhà cũ. Nhanh chóng, 60s trở thành "điểm hút" giới trẻ. Tất nhiên là những người ưa sáng tạo văn hóa. Cả thảy có khoảng 20 cửa hàng. Từ cà-phê, âm nhạc, vẽ tranh, thiết kế thời trang, cho đến nhiếp ảnh, xăm hình... Ðủ cả. Thậm chí, có cả loại hình nghệ thuật mà nhiều người chưa từng nghe tới - gloving - nghệ thuật biểu diễn ánh sáng trên từng ngón tay và bàn tay.

Ðến 60s Thổ Quan, người ta có thể đến đây để "làm nhiều thứ". Không có định kiến hoặc hay hoặc dở. Không gian ấy, luôn khuyến khích người ta thể hiện. Nếu mới đến với chụp ảnh phim, có Dark Room Lab. Có thể không cần sự tư vấn của chủ quán, người ta có thể ngồi cả giờ trao đổi, học hỏi từ những khách hàng khác. Ở Hà Nội, 60s Thổ Quan là một trong những cái nôi nuôi dưỡng nhiếp ảnh chụp phim. Còn nếu yêu thích âm nhạc? Không chỉ một, mà có đến hai không gian dành cho âm nhạc. Ðó là cà-phê KoFi do Hiếu làm chủ quán, và một quán khác, nghe tên người ta đã "định vị" được ngay bản sắc: Cầm quán. Cầm một cây đàn, và chơi thôi. Chưa hay, cũng không sao. Một khách hàng nào đó sẽ hướng dẫn bạn. Cứ tự tin thể hiện những gì mình có. Ðó chính là câu chuyện Cao Trung Hiếu kể: Các bạn trẻ "tự bắc cầu". Những dịp như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu... cái sân chung của 60s Thổ Quan lại trở thành sân chơi truyền thống. Rất nhiều trò chơi dân gian, phong tục cổ truyền được tái hiện.

Mở lại những cánh cửa -0
 
Mở lại những cánh cửa -0
 

Từ "sân chơi" ấy, nhiều bạn trẻ trở thành những "chuyên gia nhiếp ảnh". Có người khi lên sân khấu của cà-phê KoFi là lần đầu họ hát trước đông người. Bây giờ đã là ca sĩ đắt sô…

2 60s Thổ Quan gợi lại hình ảnh của Zone 9 năm nào. Những khu nhà cũ kỹ bị bỏ quên, bỗng được "tái tạo" thành không gian văn hóa. Mà đó không phải là một không gian văn hóa đơn thuần. Ðó là nơi giới trẻ sáng tạo, khởi nghiệp từ các hoạt động văn hóa. Có một khác biệt nho nhỏ, 60s Thổ Quan được tạo nên từ một khu nhà cũ. Còn Zone 9 được tạo dựng từ những nhà xưởng cũ của Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 2.

Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Những nhà máy cũ ở vùng ven, bây giờ nằm trọn trong nội đô. Tưởng chừng "xóa" ngay đi dấu vết của một thời "công nghiệp hóa" ấy để thay bằng công trình mới là điều cần thiết. Thực tế, lại đang "kể" một câu chuyện khác. Nhà máy, xí nghiệp cũ là một phần của Hà Nội, thân thuộc với hàng nghìn con người qua các thế hệ. Bây giờ, chúng được định danh là "di sản công nghiệp".

Ðừng vội rũ bỏ quá khứ ấy. Thế giới đã biến những di sản công nghiệp, hay những di sản đô thị thành không gian văn hóa, sáng tạo, du lịch. Những di sản Hà Nội hiện có 92 nhà máy, xí nghiệp cần di dời. Khi mà các khu đô thị, chung cư đời mới cứ na ná nhau, na ná những tòa nhà chọc trời ở bất cứ quốc gia nào, có nghĩa, Hà Nội đang mất dần bản sắc. Thay vì xây chung cư trên toàn bộ phần diện tích, nếu chỉ một góc những nhà máy ấy "vào tay" cộng đồng sáng tạo, thì những câu chuyện khác sẽ lại được mở ra... Ðó không phải là câu chuyện của những người hoạt động văn hóa nữa. Những không gian ấy, sẽ tạo nên đặc trưng riêng cho các khu chung cư, khu đô thị; tạo không gian văn hóa cho chính những cư dân tại đó thụ hưởng.

3 Ðúng vào thời điểm cuối năm, 60s Thổ Quan phải đóng cửa. Những ngôi nhà cao tầng sẽ mọc lên thay thế, sớm thôi. Những hình ảnh và không khí của 60s Thổ Quan hẳn sẽ còn đọng lại với nhiều người yêu Hà Nội. Marko Kalinic, nhà văn trẻ người Serbia gắn bó với Hà Nội đã bảo, đấy là một nơi "lắng đọng" của Hà Nội.

Mấy năm trước, khi Zone 9 đóng cửa, chỉ một lượng nhỏ người nuối tiếc. Chủ yếu là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Phải mấy năm sau, người ta mới nhận ra Zone 9 thực chất là cái gì và Hà Nội đã mất đi những gì khi buộc phải đóng cửa tổ hợp sáng tạo văn hóa đặc sắc ấy. Như bất kỳ thành phố nào, Hà Nội cần những cái gạch nối quá khứ và tương lai. Hà Nội cần gạch nối giữa nghệ thuật và công chúng. Nhiều không gian sáng tạo đã giúp Hà Nội giữ lại cái "chất" của mình. Và lan tỏa đi tình yêu, sự đam mê nghệ thuật.

Tôi hỏi Cao Trung Hiếu có buồn không, khi 60s Thổ Quan đóng cửa. Câu trả lời khiến tôi khá bất ngờ: Không. Vì đã quen rồi. Sự thật thì 60s Thổ Quan từng phải đóng cửa một thời gian đầu năm 2019, rồi lại mở cửa trở lại sau khi đạt được thỏa thuận về mặt bằng. Lần này sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Nhưng Hiếu đã liên hệ để có một phiên bản 60s Thổ Quan khác, trong một không gian khác.

Khi một cánh cửa đóng lại, rất có thể, một cánh cửa khác lại mở ra. Ðúng vào lúc 60s chuẩn bị đóng cửa, thì Complex 01 ở bên phố Tây Sơn đi vào hoạt động. Complex là một tổ hợp được cải tạo từ nhà máy cũ. Cũng đúng vào lúc ấy, ngành văn hóa Hà Nội tổ chức cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo, trong đó tái tạo di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo được chọn là điểm nhấn. Ðúng vào lúc ấy, Nhóm Vì một Hà Nội đáng sống, do Lê Quang Bình dẫn dắt, vừa mới hoàn thành xong khảo sát về thực trạng 92 nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội cần di dời.

Họ đang tập hợp cộng đồng với ngày càng có nhiều người tham gia hơn, để cùng nhau góp tiếng nói, tái tạo những nhà máy, xí nghiệp cũ thành không gian văn hóa, tạo nên bản sắc của Hà Nội, thay vì chồng chồng lớp lớp những cao ốc, chung cư. Ðáng để kỳ vọng khi có "điểm gặp nhau" giữa những người đam mê văn hóa, đam mê sáng tạo với góc nhìn của chính quyền thành phố. Bởi bản thân chính quyền thành phố Hà Nội cũng đang thực hiện cam kết với UNESCO về xây dựng Thành phố sáng tạo, mạng lưới mà Hà Nội gia nhập cách đây hơn một năm.

Dã Liên