Ngày 1/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Trong đó, nội dung về đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), việc xây dựng trung tâm văn hóa tại các nước là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người văn hóa, đồng thời đóng góp cho quá trình thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch…
Đây cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.
Đại biểu thống nhất với kiến nghị của Chính phủ về việc quy định nội dung thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trước mắt cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung, phạm vi quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương nói trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả, vì bản chất đây là xuất khẩu văn hóa, là quảng bá văn hóa, điều đó phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị văn hóa, sự yêu thích, thậm chí kể cả vấn đề chính trị của quốc gia đó, quan hệ giữa 2 quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
“Nếu xây dựng thì cần phải bảo đảm có tính lưỡng dụng cao, đó là văn hóa, là biểu diễn, là trưng bày, hội nghị, hội thảo, hội chợ, họp mặt…, và không chỉ chúng ta dùng mà bạn cũng dùng, việc này là rất quan trọng để tăng tính hiệu quả”, đại biểu lưu ý.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh chỉ xây khi dự kiến thu bù đủ cho chi, vì xây bây giờ thì có thể có kinh phí của chương trình, nhưng sau này phải có kinh phí thu được từ các hoạt động của trung tâm để trang trải cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, kể cả kinh phí thuê đất… thì mới tồn tại lâu dài được.
Về hình thức đầu tư, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) nhất trí với chủ trương đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công, song đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác để dành nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu khác của chương trình.
Về nội dung chưa được quy định trong Luật Đầu tư công, đại biểu đề nghị khi sửa Luật Đầu tư công tại Kỳ họp này, Chính phủ bổ sung vào nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do đây là nội dung nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công.
Có chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, Việt Nam cần xây dựng bộ nhận diện bản sắc quốc gia, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa để phục vụ cho hoạt động của các trung tâm văn hóa tại nước ngoài tăng hiệu quả.
Đại biểu đề nghị trong mục về phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần bổ sung một nội dung chi tiết là giới thiệu bộ bản sắc văn hóa và những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam đến với thế giới. Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, theo đại biểu, ngoài những gì đã được pháp luật quy định còn có quốc phục, quốc hoa, quốc cầm, quốc vũ, quốc võ, quốc tửu, ẩm thực quốc gia…
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH) |
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ dựa trên các hiệp định giữa 2 Chính phủ với nhau, dựa trên vấn đề quan hệ theo nguyên tắc đối đẳng, đồng thời ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo Bộ trưởng, các trung tâm là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và thông qua đó để chúng ta quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam, và đó thực sự là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ta ở nước ngoài. Trước mắt, Chính phủ sẽ lựa chọn 3-5 trung tâm cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự để triển khai và trên cơ sở nguyên tắc đối đẳng.