Sáng 26/10, tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội Đoàn Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phương hướng năm 2025.
Ông nhấn mạnh, báo cáo đã đề cập sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa - nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước.
Thành quả từ sự chung sức của toàn xã hội
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển không ngừng của đất nước, văn hóa ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước.
Với tinh thần đó, lĩnh vực văn hóa không ngừng phát triển, trở thành động lực đóng góp quan trọng vào kinh tế-xã hội, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đúng với định hướng "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mà Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng điểm lại nhiều hoạt động văn hóa lớn được tổ chức rộng khắp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Ông nhấn mạnh rằng, những thành quả này không chỉ nhờ nỗ lực của ngành văn hóa mà còn là kết quả của sự chung tay từ các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Tầm nhìn của Đảng ta trong định hướng, phát triển văn hóa dân tộc
“Xây dựng môi trường văn hóa tại cơ sở ngày càng khởi sắc, bồi đắp tâm hồn và nuôi dưỡng nhân cách cho người dân ở mọi vùng, miền”, Bộ trưởng nói, đồng thời đưa ra những điển hình làm tốt việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở như ở Kon Tum, hay các sự kiện như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - những minh chứng rõ nét cho sức mạnh của văn hóa trong đời sống cộng đồng.
Về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng đánh giá ngành đã phục hồi và phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19, với nhiều địa phương đạt được chỉ số tăng trưởng ấn tượng, thậm chí vượt giai đoạn trước dịch.
Về thể thao, Bộ đang triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao giai đoạn mới và Kết luận 70 của Bộ Chính trị, chú trọng đến việc cải thiện thành tích trên các đấu trường quốc tế. Theo Bộ trưởng, để nâng cao thành tích thể thao, cần có sự đầu tư lớn, bài bản và lâu dài - điều mà các nền kinh tế lớn trên thế giới đã thực hiện.
Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ điểm nghẽn trong chế độ, chính sách cho đội ngũ nghệ sĩ, vận động viên nhằm bảo đảm công bằng và tạo điều kiện phát triển tốt hơn.
Tiềm năng công nghiệp văn hóa
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. |
Một trong những điểm nổi bật trong báo cáo của Chính phủ là việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - lĩnh vực mới, có nhiều tiềm năng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, và trước đó đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực này.
Ông nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa là xu hướng tất yếu, nhưng Việt Nam đi sau so với các nước, đòi hỏi phải “đi tắt, đón đầu” bằng cách dựa trên 3 trụ cột: Vai trò kiến tạo của nhà nước trong việc ban hành chính sách; sự tham gia của nhà đầu tư để khai thác và phát triển tài nguyên văn hóa; và vai trò sáng tạo của văn nghệ sĩ nhằm làm phong phú hơn nội dung văn hóa.
Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa
Nhìn về năm 2025 - năm tăng tốc tiến tới đích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các luật là tất yếu, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và dựa trên các nguyên tắc minh bạch, phân cấp rõ ràng.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ để khơi thông nguồn lực cho văn hóa, hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, lan tỏa sức mạnh mềm của Việt Nam ra quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực văn hóa không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của một ngành mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. “Cần có sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và mọi người dân để văn hóa Việt Nam thực sự phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.