Chiều 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thực hiện quy trình biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trước đó, trước khi các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Tiếp đó, trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua toàn bộ luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết để thông qua 2 nội dung.
Cụ thể: Thứ nhất, đối với khoản 23 Điều 1 về quyền và trách nhiệm của các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc: Kết quả biểu quyết cho thấy, có 427/434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,14%), Quốc hội thông qua nội dung này.
Thứ 2, khoản 30 Điều 1 về: Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục, thời gian cấp, gia hạn của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, kết quả biểu quyết cho thấy, có 413/419 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (86,22%), Quốc hội thông qua nội dung này.
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội biểu quyết để thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 426/430 (chiếm 88,94%) đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã làm rõ các khái niệm: Dược liệu (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền), thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, sinh phẩm (còn gọi là thuốc sinh học)…
Đối với chính sách của Nhà nước về dược, luật quy định: Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, phù hợp với cơ cấu bệnh tật và yêu cầu quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; có chính sách phát triển hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Các đại biểu tiến hành biểu quyết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, luật quy định thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) trong phát triển công nghiệp dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư.
Về quyền và trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc, luật quy định cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc có các quyền: Mua nguyên liệu làm thuốc để chuyển cho các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc pha chế thuốc theo đơn và bán thuốc này tại chính nhà thuốc đã pha chế; mua thuốc để chuyển cho các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, trừ vaccine…
Đối với các biện pháp quản lý giá thuốc, luật quy định rõ: Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia, đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia. Đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật…
Luật cũng quy định, kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện một trong các trường hợp sau: Giá bán buôn thuốc dự kiến cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng thuốc tương tự đã công bố, công bố lại mà chưa có kiến nghị của Bộ Y tế; trường hợp thuốc có giá bán buôn dự kiến có hàm lượng hoặc nồng độ theo đơn vị liều khác với các mặt hàng thuốc tương tự thì sẽ thực hiện so sánh mức giá theo quy đổi tương đương; mức chênh lệch của giá bán buôn thuốc dự kiến so với giá trúng thầu của chính mặt hàng thuốc đó cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định…