Xây dựng tộc văn hóa ở Quế Long

Vừa qua, tộc Âu Phước ở thôn Trung Thượng, xã Quế Long, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đã phát động xây dựng tộc họ văn hóa. Quy ước văn hóa chung đã được đề ra, các thế hệ trong tộc đồng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu chung, góp phần nâng cao đời sống văn hóa toàn xã.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Âu Việt Kim, thành viên hội đồng gia tộc Âu Phước.
Ông Âu Việt Kim, thành viên hội đồng gia tộc Âu Phước.

Tộc Âu Phước hiện có tổng số 35 hộ gia đình sinh sống gần nhau, trong không gian sinh hoạt miền quê là chỉ cần mở cửa nhà đã gặp bà con thân thuộc. Từ trước đến nay, một điều tự hào của tộc Âu Phước là con cháu sinh ra, lớn lên lập gia đình, làm ăn trong sự hòa thuận, không xích mích, gây gổ ở cộng đồng dân cư. Mọi việc đều được xây dựng, góp ý nhẹ nhàng lịch sự, tập trung hướng con cháu chú tâm học hành thành tài.

Những thế hệ đi trước, người lớn trong tộc Âu Phước đóng vai trò đi đầu trong từng gia đình, mở rộng ra là đối với gia tộc. Nhiều phong trào giúp đỡ nhau trong làm ăn kinh tế, tham gia xây dựng mồ mả ông bà, định hướng cho con cháu hiểu tầm quan trọng của sự đoàn kết… đều có tiếng nói của lớp thế hệ tiền bối, người lớn.

Ông Âu Quốc Huy, trưởng tộc Âu Phước cho biết, với truyền thống thế hệ đi trước làm gương và chỉ bảo, sự hiếu thuận với ông bà, cha mẹ của lớp con cháu đi sau được thể hiện rõ trong từng gia đình. Ngày chạp mả tộc, dù làm ăn, sinh sống xa quê nhưng các gia đình đều trở về sum vầy đông đủ.

“Hội đồng gia tộc đã xác định tình đoàn kết là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng tộc văn hóa. Có được điều đó mới có thể kêu gọi các gia đình, thành viên tham gia nhiệt tình các hoạt động nhỏ phía sau như khuyến học, ma chay, hiếu hỉ… Những lời xích mích dù nhỏ nhất cũng khiến mục tiêu xây dựng chung khó thành công. Hội đồng gia tộc phải là những người có trách nhiệm đi đầu trong mọi hoạt động để các hộ gia đình noi theo”, ông Âu Quốc Huy chia sẻ.

Ngôi nhà thờ tộc Âu Phước được xây dựng khang trang vào năm 2002. Hằng ngày, ông Âu Việt Kim, 63 tuổi, thành viên hội đồng gia tộc thường xuyên lui tới quét dọn, thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Ông Kim cho hay, mặc dù tộc Âu Phước phát động xây dựng tộc văn hóa sau nhiều dòng họ khác trong xã, song niềm phấn khởi, sự nhiệt tình đóng góp ý kiến xây dựng quy chế chung là điều thấy rõ ở mọi thành viên, con cháu.

Toàn xã Quế Long hiện có 23 tộc họ có nhà thờ lớn nhỏ như các tộc Nguyễn, Trần, Lê, Võ, Ðỗ, Phan, Hồ… Ðến nay đã có 7 tộc họ được công nhận tộc văn hóa. Ðời sống kinh tế của bà con gắn liền với nông nghiệp vừa và nhỏ, mối liên hệ gắn kết tình làng nghĩa xóm nhiều đời qua ngày càng gần gũi, thân tình. Từ khi các tộc họ phát động xây dựng thi đua văn hóa, trách nhiệm từng thành viên, con cháu được thể hiện rõ. Các khu dân cư văn hóa kiểu mẫu được thí điểm và đẩy mạnh trong thời gian qua có một phần không nhỏ sự chung tay của bà con, đồng hành với đó là những định hướng của chính quyền địa phương.

“Với đặc thù của địa phương khi nghề nông chiếm gần 80% trong tổng thể kinh tế, ngoài thời gian làm mùa vụ, bà con tìm thêm các công việc khác như nghề rừng, xây dựng... để nâng cao đời sống gia đình. Khi các tộc cùng phát động thi đua tộc văn hóa sẽ tác động tích cực đến tinh thần, suy nghĩ của bà con, từ đó thuận lợi trong việc triển khai những phong trào như hỗ trợ người nghèo, người khó khăn vươn lên”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quế Long

Ðặc biệt, trong nhiều năm qua, các tộc họ ở Quế Long triển khai hội “mẹ chồng nàng dâu” rất thành công. Mục tiêu của mô hình này là tập trung những người con dâu lại thành một khối thống nhất. Với vai trò quyết định việc thu chi kinh phí, tổ chức công tác hậu cần, nấu nướng, hội đã giúp cho những ngày chạp mả tộc được thành công, chu tất. Bằng sự nhẹ nhàng, linh động của người phụ nữ, hội “mẹ chồng nàng dâu” còn góp phần hóa giải mâu thuẫn, tháo gỡ những ý kiến trái chiều trong thôn, xóm.