Xây dựng quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đang lấy ý kiến của các bộ, ngành và nhân dân về dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Hiện trường vụ sạt lở mỏ đá Pắc Luốc 1, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, Hà Giang, khiến hai người tử vong ngày 3/6/2022. (Ảnh: nhandan.vn)
Hiện trường vụ sạt lở mỏ đá Pắc Luốc 1, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, Hà Giang, khiến hai người tử vong ngày 3/6/2022. (Ảnh: nhandan.vn)

Mục đích của việc ban hành Nghị định này nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật, bảo đảm thực hiện quyền của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I/2023 là 33 triệu người. Con số này cho thấy, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Số lao động này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Xây dựng quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện ảnh 1

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, trong Tháng công nhân 2023. (Ảnh: TRỊNH BÌNH)

Còn theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số liệu từ 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022 cho thấy, cả nước có 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so năm 2021. Số người bị nạn do tai nạn lao động là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so năm 2021. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Cụ thể, số vụ tai nạn lao động chết người là 720 vụ, giảm 29 vụ tương ứng 3,87% so năm 2021. Số người chết vì tai nạn lao động là 754 người, giảm 32 người. Tuy nhiên, số người bị thương nặng do tai nạn lao động lại tăng 162 người, lên tới 1.647 người, tăng 10,9% so năm 2021.

Dự thảo Nghị định đề cập tới một số nội dung chính. Đó là: Chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện); Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lao động-thương binh và xã hội, cơ quan tài chính, người lao động đối với bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Dự thảo Nghị định có 6 chương, 39 điều, trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung để phù hợp với phương thức quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai.

Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chính sách này.

Với chính sách bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2022, cơ quan này đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.652 người, giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 5.512 người.

Tổng số người được giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo cả hai hình thức trên là gần 8.200 lao động.

Kinh phí chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của năm 2022 là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, tương đương mức tăng khoảng 340 triệu đồng.