Hơn 7.900 người gặp nạn do tai nạn lao động
Chiều 7/4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp báo thông tin công tác an toàn, vệ sinh lao động, Tháng Hành động về an toàn-vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2023.
Đại diện Cục An toàn lao động chia sẻ thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Giáp Tống) |
Theo số liệu từ 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so năm 2021. Số người bị nạn do tai nạn lao động là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so năm 2021.
Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Cụ thể, số vụ tai nạn lao động chết người là 720 vụ, giảm 29 vụ tương ứng 3,87% so năm 2021. Số người chết vì tai nạn lao động là 754 người, giảm 32 người. Tuy nhiên, số người bị thương nặng do tai nạn lao động lại tăng 162 người, lên tới 1.647 người, tăng 10,9% so năm 2021.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2022 (gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.
Riêng ở khu vực có quan hệ lao động, trong năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.187 vụ tai nạn lao động làm 7.366 người bị nạn. Cụ thể, có 568 vụ tai nạn lao động chết người, 595 người tử vong và 1.466 người bị thương nặng: 1.466 người. Như vậy, so năm 2021, số vụ tai nạn lao động tăng 1.390 vụ, tương đương khoảng 23,98%. Số nạn nhân cũng tăng 1.456 người, tương đương 24,63%.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) lý giải về nguyên nhân tình hình tai nạn lao động năm 2022 tăng so năm 2021. Đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp, căng thẳng do đại dịch Covid-19 của năm trước, sẽ thấy hoạt động sản xuất-kinh doanh giảm và đình trệ trong một thời gian. Do đó, tai nạn lao động ít đi do hoạt động sản xuất và số người tham gia lao động giảm. Tới năm 2022, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đạt những thành tựu nhất định. Quá trình sản xuất-kinh doanh phục hồi và ghi nhận nhiều kết quả khả quan so năm 2021. Khi sản xuất-kinh doanh phục hồi, số vụ tai nạn lao động cũng tăng.
Ông Hà Tất Thắng nhận định, nguyên nhân là sau đại dịch Covid-19, một số trang-thiết bị máy móc sau một thời gian ngừng trệ khi quay lại sản xuất cần bảo dưỡng. Nếu không vận hành bảo trì kịp dễ xảy ra tai nạn lao động đáng tiếc. Còn với nhiều người lao động, sau một thời gian quay lại làm việc, sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị mai một trong thời gian đại dịch, nên khi mở lại sản xuất không đáp ứng kịp thời, để khi người lao động quay trở lại làm việc thì dễ xảy ra tai nạn lao động. Nhìn vào thống kê của năm 2022 có thể thấy, tai nạn lao động chết người giảm, nhưng số vụ tai nạn lao động chung lại tăng.
Ngành lao động-thương binh và xã hội đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp để phòng, tránh tai nạn lao động. Cụ thể, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành từ trung ương tới địa phương tăng cường thanh tra-kiểm tra cũng như đào tạo, huấn luyện an toàn lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong năm qua, các cơ quan chức năng đã đề nghị khởi tố 22 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Và cơ quan công an khởi tố 19 vụ tai nạn lao động. Quan điểm là xử lý không hết được các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động thì cần phải làm thử nghiệm một số vụ, làm gương, rút kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác.
Hơn 3.900 vụ tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm
* Những lĩnh vực sản xuất-kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người:
- Khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 12,72% tổng số vụ và 12,82% tổng số người chết;
- Xây dựng chiếm 12,23% tổng số vụ tai nạn và 12,76% tổng số người chết;
- Sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,11% tổng số vụ tai nạn và 10,11% tổng số người chết;
- Dệt may, da giầy chiếm 7,08% tổng số vụ và 6,84% tổng số người chết;
- Dịch vụ chiếm 6,29% tổng số vụ và 6,44% tổng số người chết.
* Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất
- Tai nạn giao thông chiếm 32,74% tổng số vụ và 32,4% tổng số người chết;
- Ngã từ trên cao, rơi chiếm 21,9% tổng số vụ và 21,51% tổng số người chết;
- Đổ sập chiếm 11,02% tổng số vụ và 11,71% tổng số người chết;
- Điện giật chiếm 10,23% tổng số vụ và 9,9% tổng số người chết;
- Vật văng bắn, va đập chiếm 9,05% tổng số vụ và 8,7% tổng số người chết.
Trong năm qua, đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Số biên bản nhận được chỉ chiếm 27,8 % tổng số vụ tai nạn lao động chết người.
Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương, Khánh Hòa, Hải Phòng là những địa phương báo cáo kịp thời biên bản điều tra tai nạn lao động theo quy định về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp theo dõi.
Thiệt hại gần 14,4 nghìn tỷ đồng do tai nạn lao động
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, thiệt hại sơ bộ do tai nạn lao động của năm 2022 là 14.385 tỷ đồng.
Cụ thể, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2022 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là hơn 14.117 tỷ đồng, tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so năm 2021. Cùng với đó, thiệt hại về tài sản hơn 268 tỷ đồng, tăng khoảng 250 tỷ đồng so năm 2021.
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, thiệt hại sơ bộ do tai nạn lao động của năm 2022 là 14.385 tỷ đồng.
Ngoài ra, số tiền này chưa tính tới tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là hơn 143.468 ngày, tăng khoảng 27.091 ngày so năm 2021.
Cục trưởng Cục An toàn lao động cũng nhấn mạnh tới việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn lao động. Đó là: hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn công tác an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện ngăn chặn tai nạn lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc, có những biện pháp giảm căng thẳng cho người lao động, đỡ bị quá tải sau đại dịch.
Nhờ những nỗ lực đó, đã có được những hiệu quả bước đầu. Theo thống kê sơ bộ của 3 tháng đầu năm 2023, số vụ tai nạn lao động đã giảm. Đồng thời, số vụ tai nạn lao động chết người giảm. Tuy nhiên, công tác này vẫn cần thực hiện bền bỉ, kiên trì dài hơi hơn nữa này.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau.
Các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy,....
Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê tai nạn lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp theo đúng quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai năm nhóm giải pháp cụ thể.
Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập. Đồng thời, tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho các hội viên.
Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cuối năm 2022
- Vụ tai nạn lao động ngày 18/7/2022, tại Công ty TNHH Daesang Việt Nam, địa chỉ: phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hậu quả làm 5 người tử vong. Nạn nhân là 2 người đến làm nhiệm vụ nạo vét cặn dịch, bùn thải theo hợp đồng giữa Công ty TNHH Daesang Việt Nam với Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội và 3 lao động của Công ty TNHH Daesang Việt Nam.
- Vụ tai nạn lao động ngày 30/8/2022, tại Công ty TNHH Seojin Auto (địa chỉ: lô J2, J3, J5, khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Hậu quả làm 34 người bị thương.
- Vụ tai nạn lao động ngày 15/10/2022, tại Công trường khai thác khoáng sản Titan của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường (thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Hậu quả làm 4 người chết.