Hơn 1,4 tỷ đồng chi trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Năm 2022, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần có xu hướng tăng so với năm 2021, với khoảng 8.200 người. Tổng kinh phí thực hiện chế độ này trong năm đạt hơn 1, 4 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tại Công ty Toto Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: MINH HÀ)
Người lao động tại Công ty Toto Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: MINH HÀ)

Giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 8.200 người

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2022, cơ quan này đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.652 người, giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 5.512 người.

Như vậy, tổng số người được giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo cả hai hình thức trên là gần 8.200 người.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần trong năm 2022 có xu hướng tăng so với năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2022, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng tăng 11,52% so với năm 2021 (tương ứng tăng 274 người). Số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần tăng 22,5 % so với năm 2021 (tương ứng tăng 775 người).

Trong năm 2022, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng tăng 11,52% so với năm 2021 (tương ứng tăng 274 người). Số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần tăng 22,5 % so với năm 2021 (tương ứng tăng 775 người).

Tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, tương ứng mức tăng khoảng 340 triệu đồng. Số lao động phát sinh mới trong năm là hơn 7.600 người.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch nêu trên là do tình hình dịch bệnh Covid-19 từ giữa năm 2022 đã được kiểm soát tốt trên toàn quốc. Các doanh nghiệp đang dần phục hồi hoạt động trở lại và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Điểm thuận lợi trong công tác chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hưởng chế độ. Điều này bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, chính xác nhất với người lao động.

Công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan thực hiện cũng đa dạng hóa các hình thức chi trả, đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, tương ứng mức tăng khoảng 340 triệu đồng.

Công tác triển khai đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan báo chí, các bộ, ngành có liên quan, thực hiện lồng ghép linh hoạt với công tác tuyên truyền. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong ba năm qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã được các cấp, các ngành phổ biến kịp thời đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương luôn chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền đồng thời triển khai thực hiện phổ biến thông tin phù hợp đến các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đặc biệt, trong Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động hằng năm, hoạt động thông tin, tuyên truyền được tăng cường dưới nhiều hình thức giúp nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.

Chính sách tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Cần truyền thông mạnh hơn

Theo phản ánh của Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), một trong những khó khăn, hạn chế của công tác triển khai thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện nay là không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan bảo hiểm xã hội, người lao động hoặc cá nhân liên quan. Đoàn điều tra tai nạn lao động không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng.

Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này. Cụ thể như: trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ bảo hiểm xã hội trong trường hợp kết luận không đúng…

Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta thời gian qua, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Trong đó, có chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Việc triển khai chính sách này đến thời điểm ngày 30/6/2022 đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động, với số tiền là 4.164 tỷ đồng.

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đến ngày 30/6/2022: Giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động, với số tiền là 4.164 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện chính sách này cơ bản không có vướng mắc. Đồng thời, đây cũng là một trong những chính sách nổi bật đã góp phần hỗ trợ tích cực cho người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn lực để thực hiện phòng, chống Covid-19 cho người lao động tại nơi làm việc.

Thời gian tới, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) mong muốn sẽ đẩy mạnh truyền thông về giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các nội dung cụ thể.

Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cùng với đó là các chính sách pháp luật liên quan đến chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể như: Điều kiện hưởng; Quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết; Quyền lợi, trách nhiệm của người lao động; Trách nhiệm của người sử dụng lao động; Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động...

Song song với đó, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tránh các hành vi vi phạm, lạm dụng nhằm trục lợi Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu có liên quan về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết hưởng chế độ này.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong năm chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Ngày 25/6/2015, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua và thống nhất chế độ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp một cách cụ thể tại Luật An toàn, vệ sinh lao động. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.