Xây dựng quy định mới về sử dụng tài sản công

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu cho ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố về việc sử dụng tài sản công của Hà Nội.
Đại biểu cho ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố về việc sử dụng tài sản công của Hà Nội.

Nghị quyết quy định chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố quy định tại Điểm a, Điểm b của Khoản 4, Điều 41 Luật Thủ đô năm 2024 về việc sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp: Sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ cho những hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung; cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm, trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hoặc trong các trường hợp được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Sáng cho biết, việc ban hành nghị quyết nhằm thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối tượng áp dụng nghị quyết là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đánh giá dự thảo tờ trình và dự thảo nghị quyết đã được cơ quan soạn thảo xây dựng một cách công phu, trách nhiệm cao; đồng thời nêu những vấn đề liên quan như sự cần thiết ban hành nghị quyết; cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc ban hành; những điểm chưa phù hợp, vướng mắc khi triển khai thực hiện và điều khoản thi hành; cơ chế tài chính khi sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết bảo đảm hiệu quả…

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc-tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Bạch Thành Định nêu ý kiến: Nhiều năm qua, việc quản lý sử dụng tài sản công gặp nhiều bất cập, cần được giải thích một cách rõ ràng, trên cơ sở đánh giá kỹ, giải quyết những tồn đọng trong nghị quyết thì khi được ban hành mới bảo đảm đi vào cuộc sống.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, cần có bổ sung vào dự thảo các báo cáo đánh giá toàn bộ việc sử dụng tài sản công của thành phố Hà Nội thời gian qua nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được và chưa được trong quản lý sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập; tập hợp ý kiến của nhân dân để đưa lên Cổng thông tin điện tử; thẩm định của Sở Tư pháp. Đặc biệt, trong dự thảo tờ trình cần bổ sung phân tích sâu về Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công trong phần cơ sở pháp lý…

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, tại Khoản 2 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết nên tách bạch trách nhiệm của sở, ban, ngành và của quận, huyện, phường, xã thành hai điều khoản, trong đó nên phân cấp thêm cho cấp huyện, cấp xã; đồng thời, cần nghiên cứu thêm Nghị định của Chính phủ về vai trò của cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm.

Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết ban hành nghị quyết, nhằm quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, được sử dụng có mục đích theo đúng công năng quy định; bù đắp chi phí sửa chữa, duy tu, duy trì tài sản của Nhà nước và một phần thu cho đơn vị để nâng cao thu nhập của người lao động và thu một phần ngân sách nhà nước...

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị quyết nhằm thực hiện Luật Thủ đô, thể hiện tính chính trị cao, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng chống lãng phí.

Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn những nội dung trúng, đúng, hồ sơ trình Hội đồng nhân dân thành phố bảo đảm ngắn gọn; tiếp tục rà soát các luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cụ thể, cũng như tính minh bạch, công khai trong hoạt động cho thuê; bổ sung quy định chi tiết về cơ chế tài chính; cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ và tu bổ tài sản công; đơn giản hóa thủ tục phê duyệt và triển khai; đồng thời, tăng cường vai trò giám sát và trách nhiệm giải trình của các đơn vị quản lý tài sản công; đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa cụ thể khi xảy ra các tình huống bất khả kháng, hoặc các sự cố ngoài ý muốn, bảo toàn giá trị tài sản công.