Xây dựng ngành bán dẫn Việt Nam: Nhiều tiềm năng song còn thách thức

NDO - Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, song việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan liên quan để cụ thể hóa các cơ hội hợp tác, kết nối và huy động các nguồn lực xây dựng ngành bán dẫn Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, ông Đào Xuân Vũ. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, ông Đào Xuân Vũ. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ngày 21/12, tại Phiên họp toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, ông Đào Xuân Vũ cho biết, công nghiệp bán dẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp xương sống, cốt lõi trong phát triển kinh tế bởi là công nghiệp nền tảng để thúc đẩy các ngành khác như điện-điện tử, tự động hóa, viễn thông và công nghệ thông tin.

Trên thực tế, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã đạt giá trị 600 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 2 con số.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để nâng cao khả năng tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.

Xây dựng ngành bán dẫn Việt Nam: Nhiều tiềm năng song còn thách thức ảnh 1
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Đào Xuân Vũ cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức tư vấn quốc tế và căn cứ từ kết quả nghiên cứu, phân tích của Bộ Ngoại giao khi làm việc với các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để tham gia và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, Phó Tổng Giám đốc Viettel chỉ rõ, lợi thế của Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ tiềm năng với chi phí lao động hợp lý.

Ngoài ra, nước ta có nền tảng tốt trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn, có hệ sinh thái bán dẫn đang dần hình thành, và đặc biệt có trữ lượng đất hiếm đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Mặc dù vậy, theo đại diện Viettel, việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại, trong đó công nghệ bán dẫn là công nghiệp bị hạn chế tiếp cận, từ phần mềm hỗ trợ thiết kế cho đến máy móc, vật liệu cũng như quy trình sản xuất.

“Đây là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, rất đặc thù, nguồn vốn cho thiết kế và đầu tư, vận hành nhà máy sản xuất rất lớn, cần có hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ với nhà máy sản xuất, trong khi cơ sở hạ tầng cho nhà máy sản xuất chất bán dẫn của ta còn chưa bảo đảm, và cũng cần sử dụng rất nhiều điện và nước cho sản xuất chip bán dẫn”, Phó Tổng Giám đốc Viettel nêu rõ.

Với mục tiêu phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng, ông Đào Xuân Vũ bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao để cụ thể hóa các cơ hội hợp tác, kết nối và huy động các nguồn lực quốc tế trong việc xây dựng ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Theo đó, Phó Tổng Giám đốc Viettel đề nghị tăng cường xúc tiến với các doanh nghiệp, tập đoàn để xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam, từ đó dần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong nước, làm tiền đề cho các công ty bán dẫn trong nước có cơ hội về thị trường để từ đó xác định lộ trình đầu tư, phát triển phù hợp.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các chương trình làm việc với các chính phủ và doanh nghiệp lớn về bán dẫn để tìm hiểu về các cơ chế, chính sách đặc thù cần có nhằm phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Theo ông Đào Xuân Vũ, thị trường đầu ra cho ngành bán dẫn phụ thuộc rất nhiều vào các công ty sản xuất điện tử và công ty thiết kế chip bán dẫn lớn.

Do đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Song song với đó, cần đẩy mạnh kết nối, hợp tác nghiên cứu sản xuất với các doanh nghiệp và các chuyên gia bán dẫn tại nước ngoài.