Ngày 22/12, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp toàn thể về “Xây dựng và phát triển ngành ngoại giao”.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Bộ Ngoại giao; Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, ngành ngoại giao có truyền thống quan tâm đến công tác xây dựng ngành, xác định đây là mảng công tác có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ tới công tác đối ngoại.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bộ trưởng nhấn mạnh, phiên họp nhằm kiểm điểm giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để sớm trình Chính phủ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, sau khi được phê duyệt và ban hành, đề án sẽ là văn bản đầu tiên trong lịch sử mang tính chiến lược tổng thể cho toàn bộ công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao.
Đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao chủ động xây dựng đề án nói trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ kỳ vọng, đề án sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc mà ngành đang gặp phải, đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao sớm hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng biểu dương những thành tích nổi trội của ngành ngoại giao trong năm 2023, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, ngành ngoại giao có truyền thống lịch sử vẻ vang, đáng tự hào, với tài sản lớn là sự dẫn dắt, đặt nền móng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cha đẻ” của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, khẳng định đây là sức mạnh tinh thần lớn lao và là động lực quý giá của ngành.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục có sự chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2024 theo đúng phương châm “toàn diện, hiện đại, vững mạnh” như được nêu trong chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Cụ thể, Phó Thủ tướng phân tích, “toàn diện” là huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước trên mặt trận đối ngoại, để công tác đối ngoại có sự thống nhất “từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới”, với sự tham gia của tất cả các cơ quan, ban, ngành.
“Hiện đại” là phù hợp với xu thế, có khả năng thích ứng với những diễn biến mới của tình hình thế giới, như tình trạng biến đổi khí hậu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo...
“Vững mạnh” thể hiện ở việc người làm ngoại giao có đủ năng lực, đủ bản lĩnh để giữ vững vai trò tiên phong trong mặt trận đối ngoại.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị trong thời gian tới, ngành ngoại giao tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như trọng dụng, thu hút nhân tài; tính toán, tổ chức, sắp xếp bộ máy gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ động phối hợp, đồng hành với các bộ ngành, địa phương, với bạn bè quốc tế để nhận được sự ủng hộ theo đúng bốn chữ “đồng" mà Bác Hồ từng căn dặn: "Đồng tình, đồng lòng, đồng sức, đồng minh".