Ngày 6/11, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đặt câu hỏi chất vấn đến các Tư lệnh ngành, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) bày tỏ nhiều thắc mắc về chính sách, chiến lược mà Việt Nam cần chuẩn bị để thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, phát triển chíp bán dẫn.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới (khoảng 22 triệu tấn). Đây là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Trữ lượng lớn là cơ hội rất lớn để Việt Nam khai thác, hợp tác phát triển chip bán dẫn, tham gia chuỗi sản xuất công nghệ bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thực tế lại rất thấp, chỉ có 1.000 tấn/năm
Đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở các vùng núi phía bắc, ở các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và phân bố trải dài tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và Trung Bộ như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Giải thích về sự đối nghịch này, đại biểu Xuân nhận định nguyên nhân chính là Việt Nam chưa có công nghệ khai thác thân thiện với môi trường và công nghệ chế biến sâu. Hiện tại, các công nghệ này đang bị nắm giữ độc quyền bởi một số nước, rất hiếm khi được chuyển giao.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) về chính sách, chiến lược mà Việt Nam chuẩn bị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra 4 ý:
Trước hết, Bộ trưởng Dũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Xuân đồng thời nhấn mạnh việc hợp tác đầu tư với các nước có trình độ cao trong lĩnh vực này, như Nhật Bản hay Hoa Kỳ
Bên cạnh đó Việt Nam phải có chính sách chế biến sâu và không xuất thô khoáng sản này.
Để nâng cao sản lượng khai thác đất hiếm, Việt Nam phải phát triển được ngành bán dẫn của nội địa, tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có.
Cuối cùng, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh phải tập trung vào vấn đề nghiên cứu, phát triển công nghệ chíp bán dẫn, khai thác và chế biến và sử dụng đất hiếm cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Cuối năm 2022, Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm sang Hàn Quốc, với sản lượng 1.000 tấn/năm, sau đó tăng lên mức 2.000 tấn/năm.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7, Việt Nam dự tính đạt mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. 2 mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu).
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm để xuất khẩu đi các nước.