Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới, Việt Nam tin tưởng sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu trong tương lai không xa.
0:00 / 0:00
0:00
Tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam và Synopsys (Mỹ) ký thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch. Trong ảnh: Synopsys tham gia Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.
Tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam và Synopsys (Mỹ) ký thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch. Trong ảnh: Synopsys tham gia Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến triển vọng cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu nhờ hội tụ đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này. Đáng chú ý, việc có trữ lượng tài nguyên đất hiếm lớn là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có cơ hội, lợi thế để khai thác và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không xuất khẩu thô đất hiếm

Theo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 18/7/2023, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Hoạt động khai thác được thực hiện cùng với việc đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm tại các mỏ đã cấp phép như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái).

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023 sẽ hoàn thành đầu tư Nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao, do đó, Việt Nam có thể sử dụng lợi thế này trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam đang được nhiều đối tác lớn từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc… nhắm tới như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, sản xuất chip bán dẫn. Bộ trưởng nêu những vấn đề cần quan tâm là: Cần hợp tác đầu tư với các nước có trình độ cao trong lĩnh vực này, như Nhật Bản, Hoa Kỳ; có chính sách chế biến sâu và không xuất thô đất hiếm.

Để nâng cao sản lượng khai thác loại khoáng sản này, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam phải phát triển được ngành bán dẫn của nội địa, tham gia vào chuỗi cung ứng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, đồng thời cần tập trung vào vấn đề nghiên cứu, phát triển công nghệ chip bán dẫn, khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm, đào tạo nguồn nhân lực.

Mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư công nghệ

Thông tin đến các nhà đầu tư nước ngoài tham dự hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn với chủ đề “Việt Nam -điểm đến triển vọng cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu” được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này, đồng thời xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư công nghệ từ nay đến năm 2030.

Đánh giá về triển vọng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cho rằng, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ, sự hiện diện, hợp tác của doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam đạt được mục tiêu trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Mavel, Qualcomm, Amkor... Bên cạnh đó, các trường đại học, cơ sở đào tạo hàng đầu của Hoa Kỳ cũng mở rộng hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Theo ông John Neuffer, ngành công nghiệp bán dẫn có tốc độ phát triển rất nhanh, cho nên phải tranh thủ nắm bắt cơ hội thông qua việc tạo thuận lợi hơn nữa trong thực hiện các thủ tục để hỗ trợ hoạt động đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhấn mạnh đặc thù của ngành công nghiệp bán dẫn cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành với các nội dung quan trọng như xác định rõ các trụ cột, ưu tiên và cần nắm bắt cơ hội nhanh; chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài đi cùng với phát triển các doanh nghiệp trong nước.

Một số điều kiện quan trọng khác là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, có ưu đãi cạnh tranh, chuẩn bị mặt bằng sản xuất kinh doanh như khu công nghệ cao, khu công nghiệp tập trung với đầy đủ các hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa giáo dục đào tạo các cấp có liên quan đến khoa học công nghệ... để thu hút hợp tác đầu tư.

Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động sau lễ ra mắt được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.