Cơ hội nào cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn?

NDO - "Việt Nam là nơi tuyệt vời cho doanh nhân khởi nghiệp và đóng góp mạnh mẽ vào lĩnh vực bán dẫn", Giáo sư Albert Pisano bày tỏ tại tọa đàm “Công nghệ bán dẫn nền tảng của thế giới hiện đại”.  
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu mở đầu phiên tọa đàm.
Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu mở đầu phiên tọa đàm.

Tọa đàm “Công nghệ bán dẫn nền tảng của thế giới hiện đại” bàn luận về tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn đang bùng nổ trên toàn cầu đã mở màn cho Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 sáng 18/12.

Giáo sư Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh, Chủ nhân Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ - Millennium Technology Prize năm 2010 danh giá cho phát minh trong lĩnh vực điện tử nhựa phát biểu mở đầu tọa đàm nhấn mạnh: Công nghệ bán dẫn là nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Hệ thống khoa học, hệ thống năng lượng cũng như các hệ thống viễn thông, điện toán cần công nghệ bán dẫn.

"Xu thế đó đang diễn ra ở mọi khía cạnh khác nhau, với vật liệu bán dẫn để triển khai hệ thống thiết bị công tác chuyển mạch, điện thế cao hoặc thiết bị có hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn. Bán dẫn có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, có sự thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới", Giáo sư Richard Henry Friend nói.

Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, ngành bán dẫn được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn? ảnh 1

Giáo sư Vivian Yam chia sẻ về "Những tiến bộ trong điện tử hữu cơ - Góc nhìn về vật liệu OLED và công nghệ tương lai".

Tại tọa đàm, Giáo sư Vivian Yam chia sẻ về "Những tiến bộ trong điện tử hữu cơ - Góc nhìn về vật liệu OLED và công nghệ tương lai"; Tiến sĩ Sadasivan Shankar chia sẻ về "Tái cấu trúc các thuật toán máy tính cho một tương lai bền vững trong vật liệu bán dẫn mô phỏng"; Giáo sư Teck-Seng Low chia sẻ về "Tương lai của vi điện tử, ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn ở Singapore".

Các chuyên gia cũng thảo luận về định hướng dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giúp xây dựng chiến lược phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo Giáo sư Richard Henry Friend, với quốc gia dù lớn hay nhỏ, cụ thể là Việt Nam, để có thể sản xuất lĩnh vực bán dẫn hiệu quả, Việt Nam có thể nhìn sang Singapore có thí dụ nào chỉ dẫn cho mình phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore cho hay, ở Singapore có hàng chục triệu đô la đầu tư vào ngành bán dẫn và các nước hoàn toàn có thể khởi động với chi phí hợp lý ban đầu thông qua với hợp tác với doanh nghiệp hoặc mô hình khởi nghiệp vi mô.

"Singapore may mắn có nhiều nguồn lực tài chính nhưng tôi nghĩ trong kỷ nguyên mới, chúng ta đang bước vào nhiều cơ hội đầu tư nhỏ mà vẫn hiệu quả thông qua ý tưởng khởi nghiệp mới. Ở Singapore có hệ sinh thái đủ hút các nhà sản xuất bán dẫn. Chúng tôi đã tới giai đoạn sau nhiều năm đầu tư đã có công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học có vị thế nghiên cứu cạnh tranh hàng đầu thế giới", Giáo sư Teck-Seng Low nói.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn? ảnh 2

Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore chia sẻ về kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn tại Singapore.

Hiện ngành bán dẫn của Singapore đóng góp 9% GDP quốc gia. Singapore cũng quyết định duy trì đóng góp của ngành sản xuất 20% vì tạo ra việc làm tốt. Singapore đang đầu tư đi sâu hơn thu nhỏ kích thước chip xuống 2nm, hỗ trợ các nhà máy bán dẫn hàng đầu để có công nghệ hỗ trợ khoa học ở cấp độ dưới 2nm".

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc gia mình đầu tư vào ngành bán dẫn, Giáo sư Teck-Seng Low cho biết, đất nước ông sao chép mô hình công nghệ bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc). Singapore không sử dụng nhiều ngân sách Chính phủ nhưng nguồn vốn này là mồi tốt cho chương trình, thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu vào Singpapre.

"Thời gian đầu cũng không thành công lắm nhưng từng bước chúng tôi cũng thành công vì Singapore có chính sách thu hút các nhà đầu tư. Để phát triển ngành này, tôi nghĩ cần phải thu hút nhà đầu tư nước ngoài và hai là phát triển công ty bán dẫn trong nước. Phải kết hợp sức mạnh nội tại và nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ là ta cần phát triển thế hệ doanh nhân mới, không chỉ ở Singapore mà nhiều nước khác Trong giai đoạn dài, chúng ta chưa thấy sự xuất hiện nhà sản xuất chip mới", Giáo sư Teck-Seng Low chia sẻ.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn? ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) chia sẻ tại phiên thảo luận.

Trước câu hỏi Việt Nam cần làm gì để phát triển ngành này, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) cho rằng, các trường đại học cần đào tạo ra nguồn nhân lực cao cho bán dẫn, đào tạo các em vừa học, vừa thực hành tại doanh nghiệp. Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực cao này. "Việt Nam là quốc gia đang phát triển cần cơ sở hạ tầng dùng chung chia sẻ cùng là quan trọng để thúc đẩy thu hút nhà đầu tư", Giáo sư Thục Quyên nói.

Theo Tiến sĩ Sadasivan (Sadas) Shankar, phần đóng gói chip đang phức tạp và đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nắm bắt.

Tọa đàm có sự tham gia trao đổi của các diễn giả: Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore; Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ; Giáo sư Albert Pisano, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu – Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ; Giáo sư Vivian Yam, Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture và Giáo sư Philip Wong Wilson Wong về Hóa học và Năng lượng, Giáo sư Chủ nhiệm Hóa học tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc.