Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải

NDO - Mù Cang Chải là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái. Sau 66 năm thành lập (năm 1957) được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư, giao đất giao rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất... đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã có nhiều đổi thay. Mù Cang Chải đang phấn đấu trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc-An toàn-Thân thiện”.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm đến đồi mâm xôi thuộc danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) luôn hấp dẫn du khách mùa lúa chín. (Ảnh: Sơn Giang)
Điểm đến đồi mâm xôi thuộc danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) luôn hấp dẫn du khách mùa lúa chín. (Ảnh: Sơn Giang)

Vùng cao vươn lên đổi mới

Nhìn lại chặng đường 66 năm qua, từ những ngày đầu mới thành lập, huyện Mù Cang Chải gặp muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, người dân phá rừng làm nương rẫy; tỷ lệ người nghiện và mù chữ cao cùng với các hủ tục. Đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn, lạc hậu, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám người dân. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huyện Mù Cang Chải đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân xây dựng đời sống mới… Từ một huyện thiếu đói triền miên, đến năm 2022, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện đã có hơn 13,8 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 47.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên 700kg/người/năm.

Ông Lương Văn Thư - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Cùng với sự phát triển chung của địa phương, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã và đang làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân từ sản xuất lúa một vụ, từ độc canh cây trồng, từ tư duy sản xuất tự cung tự cấp đem lại hiệu quả thấp, người dân vùng cao đã thay đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất các sản phẩm mang tính hàng hóa, sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao như: Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải, gạo Séng Cù, gạo Nếp tan… Các sản phẩm đặc trưng gắn với nhu cầu phát triển du lịch, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng cao”.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 1

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng cây giống Sơn tra.

Phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã khó thì việc xây dựng đời sống văn hóa mới, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp đã “ăn sâu, bám rễ” trong tiềm thức bao đời nay của người dân nơi đây được xác định là cuộc “cách mạng” đối với Mù Cang Chải.

Để làm được điều này, trước hết phải tập trung mọi nguồn lực để từng bước nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, sự nghiệp giáo dục vùng cao Mù Cang Chải có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Toàn huyện có 39 trường và 1 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, với 694 lớp 22.784 học sinh; xây dựng 11 trường đạt chuẩn quốc gia; 37/37 đơn vị trường triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc, Trường học du lịch”.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ được tình trạng hôn nhân cận huyết; tình trạng tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều dần được đẩy lùi. Tất cả các xã có trạm y tế, 12/13 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,3%.

Cùng với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do tỉnh và Trung ương phát động, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; các dòng họ tự quản về an ninh, trật tự, an toàn toàn giao thông… Đặc biệt, thực hiện thành công cuộc vận động “đồng bào H’Mông ăn chung một Tết” vào dịp Tết Nguyên Đán.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 2

Giờ học trải nghiệm văn hóa dân tộc tại trường PTDT Bán trú TH&THCS Dế Xu Phình. (Ảnh: Thùy Nhung)

Ông Hảng A Ký - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Trước đây, đồng bào H’Mông thường ăn Tết vào tháng 12 âm lịch và kéo dài cả tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình lao động sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước thực trạng trên, huyện Mù Cang đã tuyên truyền, vận động và được sự đồng tình bà con khi thực hiện ăn chung một Tết vào dịp Tết Nguyên Đán của dân tộc, vừa tiết kiệm thời gian để tập trung cho lao động sản xuất vụ đông xuân, đảm bảo an ninh lương thực vừa không ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương và việc học tập của học sinh”.

Bên cạnh đó, các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Những năm gần đây, 100 % các trường học duy trì được đều đặn các hoạt động múa khăn, múa khèn, trải nghiệm và thực hành văn hóa dân tộc trong các giờ thể dục giữa giờ hay các hoạt động ngoại khóa.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 3

Bảo tồn văn hóa Khèn Mông tại Câu lạc bộ Khèn H’Mông xã Lao Chải. (Ảnh: A Lù)

Hằng năm, huyện tổ chức thành công nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, du lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Mừng Đảng, mừng Xuân; Lễ hội “Hoa Sơn tra” vào dịp tháng 2, tháng 3; Ngày hội Thống nhất 30/4; các hoạt động văn hóa, du lịch và Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” vào tháng 5, tháng 6; Tết độc lập 2/9 và tuần lễ Văn hóa du lịch Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang tháng 9, tháng 10; Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng"; Festival Khèn Mông tháng 11, tháng 12 âm lịch… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Biến di sản thành tài sản, tạo sinh kế cho người dân

Biến di sản thành tài sản, tạo sinh kế cho người dân, đây là quan điểm nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu địa phương, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên nhấn mạnh: “Mù Cang Chải có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, khí hậu mát mẻ cùng với hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái. Đặc biệt với hơn 5.000ha ruộng bậc thang - một nghệ thuật trồng lúa nước trên núi được hình thành từ sức lao động và sự sáng tạo của đồng bào H’Mông nơi đây đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, biến di sản thành tài sản, tạo sinh kế cho người dân”.

Cùng với Danh lam thắng cảnh Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận năm 2019, “Lễ mừng cơm mới đồng bào H’Mông” và “Nghệ thuật biểu diễn Khèn H’Mông” lần lượt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào các năm 2021 và 2023. Huyện Mù Cang Chải cũng đã tập trung bảo tồn và phát huy 39 di sản văn hóa vật thể, 142 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải, phấn khởi cho biết: “Với nhiều cảnh đẹp như: Mâm xôi, Võng Lúa, Rừng Trúc, Sống Khủng Long, đặc biệt khu bảo tồn là và sinh cảnh Chế tạo, đèo Khau Phạ, cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc: H’Mông, Thái, Mù Cang Chải đang là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2022, huyện đón và phục vụ 350.000 lượt khách, doanh thu đạt 270 tỷ đồng”.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 4

Cảnh đẹp tại đồi Võng lúa, Mù Cang Chải. (Ảnh: Vàng Chảo)

Đây là tiền đề để Mù Cang Chải xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, bản sắc, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện” của tỉnh Yên Bái cũng như của vùng Tây Bắc.

Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX đã xác định mục tiêu trong những năm tới giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển kinh tế du lịch là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để tiếp tục thực hiện được điều đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Mù Cang Chải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ; sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và tỉnh Yên Bái về phát triển văn hóa, du lịch đã được Ban chấp hành Đảng bộ Huyện cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và Chương trình phát triển du lịch “Xanh-Bản sắc-An toàn-Thân thiện” giai đoạn 2021-2025; Đề án xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải tầm nhìn đến 2050.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 5

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên trao đổi với bà con nhân dân bản Dào Xa, xã Lao Chải.

Huyện Mù Cang Chải tiếp tục triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa toàn diện, để văn hóa thực sự là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.

Việc liên kết phát triển du lịch vùng, liên vùng cũng được huyện đẩy mạnh, cùng với xã hội hóa và thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi và ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống...

Toàn huyện Mù Cang Chải triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động mọi nguồn lực chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột chính quyền số, xã hội số, công dân số. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 6

Hoạt động thể thao giữ gìn truyền thống tại Hội thi Giã bánh Giày. (Ảnh: A Lù)

Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh miền đất, con người Mù Cang Chải “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” được triển khai đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Mù Cang Chải còn tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội và kiến tạo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Phấn đấu trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc- An toàn-Thân thiện”, đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo và đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch vùng cao Mù Cang Chải ảnh 7

Chuẩn bị cho Hội thi Giã bánh Giày của xã Cao Phạ. (Ảnh: A Lù)