Minh bạch thông tin thị trường bất động sản

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồn thổi, "sốt đất", tạo bong bóng ảo trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua là do thông tin các dự án, quy hoạch phát triển đô thị nói riêng và thị trường bất động sản nói chung còn thiếu tính công khai, minh bạch. Thực trạng này không chỉ gây tâm lý bất ổn cho người dân, mà còn để lại nhiều hệ lụy xấu, làm ảnh hưởng trật tự xã hội.

Người dân xem quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, thành phố Hà Nội. (Ảnh Thành An)
Người dân xem quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài, thành phố Hà Nội. (Ảnh Thành An)

Lý giải hiện tượng tăng giá bất động sản tại các địa phương thời gian qua, nhất là thời điểm từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, khi dân số tăng, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung-cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để bảo đảm an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh…

Bên cạnh đó, việc địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo khung giá đất mới tăng so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở... Tuy nhiên, lý do đáng lo ngại hơn cả là tình trạng giới đầu cơ bất động sản, lực lượng môi giới bất chính đã lợi dụng các yếu tố mập mờ về thông tin như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để tung ra các thông tin dẫn đến tình trạng nhiễu loạn nhằm "thổi giá" thu lợi bất chính...

Ðưa nhóm nhà đầu tư đi xem một số lô đất có thông tin đang được chào bán tại huyện Quốc Oai, anh Trần Thủy, chuyên môi giới bất động sản khu vực này cho biết, giá đất ở đây năm trước chỉ mười mấy triệu một mét vuông, nhưng khi có thông tin các dự án khu công nghiệp được tập trung ở đây, giá đất tăng lên mức 35-40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi người cần mua đã chọn một vài lô đất để xuống tiền, anh Thủy gọi tới các chủ đất đang rao bán thì đều được báo là vừa bán hoặc không bán nữa. Nhóm khách hàng gọi đến các sàn giao dịch khác cũng nhận được câu trả lời tương tự. Chị Nguyễn Hiền, một người chuyên "săn đất" vùng ven chia sẻ: Thời điểm này, giá đất mặt đường lớn ở đây tăng theo ngày. Mới tuần trước, chị hỏi mua lô đất được rao 2,4 tỷ đồng, chị và môi giới đang trong quá trình thương lượng về giá thì mấy hôm sau đã có thông tin có người mua rồi.

Do không còn nguồn hàng khác cho nên chị trả tới 3 tỷ đồng để lấy lại, nhưng chủ mới không bán, dù chưa sang tên. Trong khi đó, chị Thanh Hoa, huyện Ðông Anh cho biết, thị trường bất động sản Thủ đô đang "nóng" lên từng ngày ngay sau khi có thông tin về việc UBND thành phố đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Ðông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh nằm ở phía bắc Thủ đô lên thành phố; đồng thời, chính quyền Thủ đô cũng sẽ nghiên cứu phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" thêm tại khu vực phía tây (thành phố mới Hòa Lạc).

Theo đó, khu vực trung tâm huyện Ðông Anh, giá đất được chào bán có thể lên tới 90-100 triệu đồng/m2 cho nhà mặt đường, 40-45 triệu đồng/m2 đối với nhà trong ngõ. Còn ở huyện Mê Linh, giá nhà đất được quảng cáo tăng thêm từ 20-30 triệu đồng/m2, cao hơn gấp hai, ba lần so với những năm trước. Thậm chí, một số dự án bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cũng được môi giới quảng cáo, thổi phồng giá tăng đến hơn 50%. Không chỉ Hà Nội mà thời gian qua, giá bất động sản tại TP Hồ Chí Minh liên tục được đẩy lên. Trong đó, giá đất khu vực Thủ Ðức trước thời điểm lên thành phố đã liên tục có nhiều đợt tăng giá. Nhiều khu vực khác, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 70-100 triệu đồng/m2. Diễn biến thị trường bất động sản thời gian qua cho thấy, những cơn "sốt đất ảo" không chỉ diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác; nhất là khi có các thông tin quy hoạch lớn như xây mới công trình hạ tầng giao thông, khu đô thị, dự án lớn…

Trong khi đó, thực tế giá bất động sản tại các khu vực này có tăng, nhưng vẫn trong mức ổn định, không có dấu hiệu tăng mạnh theo kiểu "mỗi ngày một giá" như lời quảng cáo của các môi giới hay thông tin đăng tải trên mạng internet. Nhiều ý kiến cho rằng việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguyên nhân của các đợt "sốt đất ảo" diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để "tạo sóng", gây "sốt đất ảo", làm rối loạn thị trường.

Ðể tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, theo Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Ðính, điều quan trọng nhất lúc này là phải hoàn thiện đồng bộ các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai. Ðẩy mạnh số hóa thông tin thị trường, công khai thông tin quy hoạch, cấp phép dự án, niêm yết giá bán sản phẩm... người dân sẽ căn cứ vào đó để tìm hiểu về sản phẩm, dự án trước khi quyết định giao dịch mua bán, tránh trường hợp bị lừa đảo như thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, cơ quan và ngành chức năng cần công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn, trọng điểm tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; Có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương. Ðồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị..., kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội và đời sống của người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán, giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.