Dự hội nghị có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu huyện,thành phố.
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Trước khi bắt đầu, các đại biểu dự hội nghị ở các điểm cầu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.355 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 111 tỷ đồng, gấp 280 lần so với năm 2014, khi chưa thực hiện Chỉ thị 40.
Nguồn vốn đã giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo điều kiện để 1.026 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 23.630 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 454 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng được 101.859 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường, hỗ trợ 3.857 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
Các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội tăng 2,7 lần sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tăng 2.735 tỷ đồng, đạt 4.323 tỷ đồng, chiếm 99,39% tổng dư nợ, với 80.052 khách hàng còn dư nợ vay vốn thông qua 2.374 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 27,81% giai đoạn 2016-2020 xuống còn 6,60% cuối năm 2021 và từ 23,45% giai đoạn 2022-2025 xuống còn 14,03% cuối năm 2023; tiếp sức cho 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thực hiện chính sách tín dụng của địa phương, sở, ngành; đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng vốn vay cho phù hợp hơn trong phát triển sản xuất; điều chỉnh giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội một cách hiệu quả thông qua việc quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn, góp phần đưa nguồn lực tín dụng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp với các sở, ban, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; tăng cường chức năng giám sát cộng đồng đối với việc triển khai chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã khẳng định: Chỉ thị 40 của Ban Bí thư là kim chỉ nam định hướng và tạo động lực thúc đẩy tín dụng chính sách xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tín dụng chính sách xã hội có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, có tính căn cơ tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả các nội dung chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư. Đồng thời huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hằng năm, quan tâm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các sở, ban, ngành nghiên cứu, đề xuất lồng ghép cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khi xây dựng các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ đang thực hiện, tham mưu, đề xuất bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù, phù hợp với đối tượng và yêu cầu, sự cần thiết, khả năng bố trí nguồn lực. Cùng với đó, gắn kết có hiệu quả các hoạt động khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.