Quyết tâm khởi nghiệp
Anh Nam cho biết: “Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Mường Khòong, trước kia từng là sản vật tiến vua của địa phương. Tuy nhiên bà con vùng cao thường chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu vực gần sông suối và có nguy cơ bị mai một, vì vậy tôi mong muốn khôi phục lại giống vịt này cũng như coi đây là bài toán kinh tế giúp bản thân thoát nghèo”.
Cùng thời điểm đó, huyện Bá Thước cũng triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ khoa - học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt, anh Nam càng thêm quyết tâm khởi nghiệp với giống vịt quý của quê hương.
“Khi khởi nghiệp biết sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm vì đây là giống vịt bản địa. Nhiều năm qua, vịt Cổ Lũng đã trở thành sản vật nổi tiếng mà bất cứ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất Bá Thước cũng muốn được thưởng thức”, anh Nam cho biết.
Chỉ với hơn 40 triệu đồng tiền vay mượn từ người thân, anh Nam đã tìm chọn được 50 con vịt Cổ Lũng dòng bố mẹ thuần chủng, sau đó chọn lọc và phát triển thành đàn lớn. “Ngày trước các hộ gia đình chỉ nuôi nhỏ lẻ một vài con và họ cũng không mấy khi gây giống, gây đàn lớn vì vậy tôi đã đi tìm các gia đình có nuôi vịt bố mẹ thuần chủng mua mang về nhà rồi lọc được một đàn đạt chuẩn”, anh Nam kể lại.
Anh Nam cho biết, vịt Cổ Lũng là đặc sản nhưng cách nuôi không giống như vịt thường. Giống vịt này có mã đẹp, ưa ở nơi sạch sẽ và có sức đề kháng cao. Đặc biệt, dựa vào lợi thế địa lý, nuôi thả theo kiểu tự nhiên quanh ruộng bậc thang và gần sông suối vịt sẽ lớn nhanh, cho chất lượng thịt tốt.
Mô hình được nhân rộng
Sau 8 năm dựng lều chăn vịt, thức khuya dậy sớm và khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, giờ anh Lục Văn Nam đã thành công với giống vịt Cổ Lũng cũng như ổn định kinh tế gia đình. Tuy nhiên, anh vẫn ấp ủ nhiều kế hoạch phát triển trong tương lai. “Hiện tại quy mô tôi nuôi mới chỉ ở mức hộ gia đình, tôi cũng đã liên kết được hơn 30 hộ dân trong và ngoài xã Cổ Lũng với hình thức cung cấp con giống chuẩn cho các hộ chăn nuôi. Sau khi các hộ nuôi được hơn 3 tháng, tôi sẽ đi bắt lại và điều chỉnh chất lượng thức ăn để thịt vịt đạt tiêu chuẩn sau đó mới cung cấp ra thị trường”, anh Nam cho biết.
Vịt Cổ Lũng nuôi chăn thả khoảng 4 tháng là có thể xuất bán. Hiện nay giá bán ra thị trường dao động từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh Nam bán khoảng 8.000 con vịt thương phẩm, thu về vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm trang trại của anh Nam cũng cung ứng ra thị trường từ 8 đến 10 nghìn con vịt giống chất lượng với giá bán từ 13 đến 15 nghìn đồng/con. Hiện nay, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở huyện Bá Thước mà còn được nhân rộng nuôi ở các huyện Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa...
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Lũng cho biết, trong những năm qua Hội Nông dân xã đã tổ chức tập huấn cho hội viên nắm được kỹ thuật chăn nuôi vịt Cổ Lũng và anh Nam là nông dân trẻ tiêu biểu về chăn nuôi vịt Cổ Lũng ở địa phương được mời đến chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân. Ngoài ra, anh còn được mời tham dự Hội nghị biểu dương nông dân tiêu biểu trong khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời được tặng chứng nhận Nông dân tiêu biểu sáng tạo, khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Năm 2023, huyện Bá Thước tiếp tục triển khai dự án chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm tại các xã Điền Hạ, Ban Công, Kỳ Tân, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Niêm và hỗ trợ hơn 26 nghìn con giống cho các hộ. Đến cuối năm 2024, huyện đã phát triển được hơn 50 nghìn con vịt Cổ Lũng, hiện nay thương hiệu vịt Cổ Lũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Thanh Hóa.