Vĩnh Tường hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị

Từ một vùng quê trù phú, yên bình, ngày nay huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) phát triển sôi động với những khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng các loại hình dịch vụ thương mại đa dạng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đô thị mới tại thị trấn Thổ Tang.
Khu đô thị mới tại thị trấn Thổ Tang.

Rất nhiều công trình, dự án đang được huyện triển khai nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Định hình diện mạo đô thị

Vĩnh Tường vốn được biết đến như vựa lúa, vựa rau lớn của tỉnh Vĩnh Phúc. Người dân Vĩnh Tường không chỉ nổi tiếng làm nông nghiệp giỏi mà còn tinh thông nghề truyền thống như làng rèn xã Lý Nhân, làng rắn xã Vĩnh Sơn, làng mộc ở các xã An Tường, Lý Nhân, làng cơ khí, vận tải đường thủy ở xã Việt Xuân. Những năm gần đây, ngành công nghiệp huyện mới bắt đầu phát triển theo hướng thu hút những doanh nghiệp mạnh.

Tổng diện tích quy hoạch Khu công nghiệp Đồng Sóc lên đến 206,56ha và Khu công nghiệp Chấn Hưng là 180ha. Gần đây, Cụm công nghiệp Đồng Sóc đã thu hút được những doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao như YPE Vina, KCC Vina, Partron Vina. Dự kiến các doanh nghiệp này sử dụng khoảng 30.000 lao động và sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách từ năm 2023. Theo phương án quy hoạch cụm công nghiệp, huyện sẽ có chín cụm công nghiệp, hiện đã thành lập bốn cụm công nghiệp là Đồng Sóc 75ha, Thổ Tang- Lũng Hòa 35,98ha; Lý Nhân 10ha và cụm công nghiệp làng nghề Vĩnh Sơn 15,32ha.

Tại Vĩnh Tường, các đô thị cũng phát triển rất sớm. Hơn 20 năm trước, thị trấn Thổ Tang đã nổi tiếng là một trung tâm thương mại cấp vùng, nay có thêm khu đô thị, khu chợ đầu mối cung cấp dịch vụ kho bãi. Thị trấn Vĩnh Tường và thị trấn Tứ Trưng được mở rộng và phát triển nhanh.

Trên địa bàn huyện còn có ba xã đạt tiêu chí đô thị loại V là Tân Tiến, Thượng Trưng và Đại Đồng, làng mạc sầm uất chả kém phố phường. Ngay cả các xã thuần nông như Yên Bình, Kim Xá thì các loại hình dịch vụ cũng phát triển khá nhanh, hầu hết người trong độ tuổi lao động làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp.

Rất nhiều công trình, dự án đang được huyện Vĩnh Tường triển khai nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Về kinh tế, Vĩnh Tường có tốc độ tăng trưởng khá cao trong 10 năm qua. Chín tháng năm 2022, thu ngân sách của huyện ước thực hiện 1.365,6 tỷ đồng, bằng 288,8% so cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chủ lực đạt mức tăng trưởng cao như may mặc, sản xuất đồ nội thất, phân bón...

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị được cấp ủy và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo. Thời gian qua, nhiều công trình, dự án cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị được hoàn thành như Trung tâm hội nghị huyện, Quảng trường công viên trung tâm, hồ Vực Xanh, Cung văn hóa thiếu nhi, trường trung học cơ sở chất lượng cao, các tuyến đường trung tâm huyện.

Huyện đã chủ động rà soát, lập và hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông; xây dựng lộ trình cụ thể để ưu tiên bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho các tuyến giao thông trọng điểm trong từng giai đoạn. Nhiều tuyến đường được cải tạo, nâng cấp như tuyến quốc lộ 2C cũ, đoạn từ cầu Vũ Di đến bến phà Vĩnh Thịnh; đường trung tâm huyện Vĩnh Tường- tuyến quốc lộ 2 đến quốc lộ 2C; đường cụm kinh tế-xã hội Tân Tiến-Thổ Tang kéo dài; đường Thượng Trưng-Tuân Chính; đường Thượng Trưng - Cao Đại; đường trục trung tâm huyện...

Mạng lưới giao thông đã kết nối hợp lý các vùng kinh tế trong huyện với các khu vực lân cận, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời phục vụ các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, phát triển các vùng thương mại, dịch vụ, khu đô thị, cụm công nghiệp. Toàn huyện hiện nay như một đại công trình với 29 dự án đầu tư công được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021-2022, trong đó có 18 dự án khởi công mới năm 2021 và 11 dự án khởi công năm 2022. Để hoàn thiện khung đô thị Vĩnh Tường, thời gian tới huyện tiếp tục triển khai nhiều dự án giao thông khác. Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện rà soát, đối chiếu với các tiêu chí đô thị loại IV để xác định các nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Qua rà soát, đánh giá hiện trạng, huyện Vĩnh Tường đạt 76,63/100 điểm. Thời gian tới huyện sẽ tập trung nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, duy trì các tiêu chí đã đạt và tập trung vốn đầu tư công để đầu tư hoàn thiện hạ tầng khung đô thị như giao thông, công viên cây xanh, xử lý nước thải, cải tạo chỉnh trang đô thị... đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV.

Quyết tâm hoàn thành các tiêu chí

Lộ trình phát triển lên đô thị được xác định rõ hơn trong quá trình xây dựng quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường đến năm 2040. Huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vĩnh Tường, quy hoạch chung đô thị Thượng Trưng và đang xây dựng Đề án xây dựng huyện Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025 và Đề án xây dựng thị trấn Thổ Tang trở thành Trung tâm thương mại cấp khu vực, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về các giải pháp để Vĩnh Tường đạt các tiêu chí đô thị loại IV, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh, huyện đang nghiên cứu điều chỉnh một số mục tiêu phát triển cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Về cơ bản huyện đã quy hoạch, bố trí quỹ đất cho công viên, cây xanh tại trung tâm huyện và trung tâm các xã, thị trấn.

Ở tất cả các thôn đều bố trí không gian sinh hoạt công cộng. Thay vì xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện sẽ định hướng các xã phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị, nhất là tiêu chí về giao thông và diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng. Bên cạnh đó, huyện triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực.

Cụ thể, huyện đang triển khai có hiệu quả Đề án bảo vệ môi trường; Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hằng năm; Đề án phát triển giáo dục và đào tạo; Đề án phát triển văn hóa-thông tin; Đề án tăng cường quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Nhiều công trình như khu công viên vườn hoa cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, bến bãi đỗ xe theo quy hoạch chung đô thị loại IV sẽ được đầu tư xây dựng.

Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đô thị, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Xuân Quang nhận định: Con đường đi lên đô thị của Vĩnh Tường khá thuận lợi. Bao quanh huyện là các đô thị gồm thành phố Việt Trì (Phú Thọ), thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và thành phố Vĩnh Yên. Hệ thống giao thông gồm vận tải đường sắt, đường bộ và đường thủy tiện lợi cho giao thương hàng hóa. Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, hệ thống chính trị của huyện vận hành đồng đều và hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ huyện rất đoàn kết, trách nhiệm cao với công việc. Hai năm qua, Vĩnh Tường đứng đầu tỉnh về chỉ số cải cách hành chính. Nhờ đó, nhiều việc khó, việc mới được giải quyết. Hướng phát triển tới đây, huyện sẽ lấy trục thị trấn Vĩnh Tường-thị trấn Thổ Tang làm lõi đô thị và đầu tư, mở rộng các tuyến đường kết nối hai khu vực hành chính và kinh tế này.

Việc khó nhất hiện nay là bảo đảm tiến độ các dự án trong điều kiện Luật Đất đai có nhiều bất cập, công tác giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn. Năm nay toàn huyện cần thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 22 dự án lên đến 167,7 ha. Nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đến hết tháng 9/2022, huyện hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng 73,38ha với tổng số tiền đã chi trả hơn 179 tỷ đồng.

Các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động và hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ chưa đồng thuận để thực hiện các công trình: Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận, đường vào trung tâm văn hóa xã Vĩnh Sơn, khu đất đấu giá huyện Vĩnh Tường và các tuyến đường.

Vĩnh Tường cũng đang hoàn thiện một số tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan. Trong giai đoạn 2020-2030, huyện ưu tiên nâng cấp, mở rộng Trung tâm y tế huyện thành Bệnh viện đa khoa khu vực; cải tạo, nâng cấp nhà đại thể Trung tâm y tế huyện; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường; cải tạo, cứng hóa kênh tiêu thị trấn Vĩnh Tường; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhà máy xử lý rác thải; xây dựng công viên trung tâm huyện; xây dựng vườn hoa, quảng trường...

Việc xây dựng đô thị Vĩnh Tường nằm trong tổng thể chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, theo đó, Vĩnh Tường sẽ trở thành thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc.

Việc xây dựng đô thị Vĩnh Tường nằm trong tổng thể chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, theo đó, Vĩnh Tường sẽ trở thành thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc. Điểm thuận lợi là dư địa phát triển của huyện Vĩnh Tường còn rất lớn, quỹ đất dồi dào dễ bố trí các địa điểm công cộng. Khu vực hai bên quốc lộ 2 thuận tiện cho phát triển công nghiệp, thương mại.

Tới đây có thể khai thác tuyến đường thủy và xây dựng cảng logistics bên sông Hồng, kết nối các khu, cụm công nghiệp của Vĩnh Tường với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc bằng các tuyến giao thông...

Để Vĩnh Tường có thể phát huy lợi thế và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với huyện trong việc hoàn thiện các tiêu chí lớn, khó thực hiện; tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Vĩnh Tường trong những năm tới.