Thương lái đất Vĩnh Tường

Chăm sóc rau sạch ở HTX Đại Đồng.
Chăm sóc rau sạch ở HTX Đại Đồng.

Là một làng quê thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; sống giữa lòng miền bắc, bao cấp đến cả trong ý nghĩ, vậy mà người Thổ Tang vẫn giữ được sự năng động, nhạy bén đáng kinh ngạc. Dường như, nhịp sống thương trường trên đất này chưa bao giờ lắng dịu. Ngay từ thời phong trào HTX còn đang ráo riết, Thổ Tang đã lẳng lặng làm cái điều mà ngày nay vẫn gọi là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động, thực hiện chuyên môn hóa: việc đồng áng nặng nhọc giao cả cho người đàn ông trong gia đình. Người đàn bà chuyên việc chạy chợ, kiếm thêm. Thức dậy từ 2-3 giờ sáng, họ đón xe khách, vẫy xe tải, ngược xuôi buôn bán. Sập tối mới trở về, lọ mọ cơm nước cùng chồng con. Nửa đêm, gà gáy lại hối hả ra đi. Ðàn bà Thổ Tang "ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm" là vậy.

Từ năm 1982-1983, Thổ Tang đã thu hút mỗi ngày cả trăm lao động làm thuê đến từ các vùng chung quanh, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Còn dân ở đây dành thời gian cho những việc đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Cũng là thuê người làm, nhưng Thổ Tang vẫn có cách làm đặc biệt. Một trong những đặc điểm mà người thuê lao động quan tâm hàng đầu là "mỗi bữa ăn được mấy bát cơm?". Vào cái thời lương thực còn là mặt hàng chiến lược do Nhà nước độc quyền quản lý ấy, chỉ những người ăn khỏe và dám nhận là ăn khỏe mới được dân Thổ Tang thuê làm. Bởi đó là những người khỏe mạnh, thật thà, hợp với nghề nông. Có tốn cơm gạo đấy, nhưng được việc! Nhờ đi nhiều, biết rộng, lại có khả năng tổ chức sản xuất hợp lý, bao giờ đồng ruộng Thổ Tang cũng đạt hiệu quả cao nhất vùng.

Ngay những năm đầu đổi mới, Thổ Tang trở thành trung tâm trung chuyển hàng nông sản xuyên quốc gia. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải chở hàng tấp nập ra, vào xã. Các chủ hàng Trung Quốc đặt đại diện ăn ngủ hằng tháng trời tại đây để tiện giao dịch. Có điều lạ là nghề thương lái như là một độc quyền của Thổ Tang. Những xã chung quanh, dù chỉ cách một lũy tre, một bờ ruộng mà chỉ biết quanh năm đầu tắt mặt tối với nghề nông.

Năm 1993, về Thổ Tang, tôi đã lẩn mẩn hỏi chuyện này. Các cụ già gật gù, ngẫm ngợi rằng: "Có lẽ là do truyền thống?! Chẳng giấu gì anh, ngay từ thời Pháp thuộc, người buôn đồ quốc cấm bị Tây đoan đuổi mà về đến đầu làng là thoát cầm chắc. Hàng lậu cứ ném bừa vào bất kỳ nhà nào phi tang là xong. Cả làng sẽ chuyền tay nhau cất giấu như một nghĩa vụ. Khi đã yên ổn, chủ hàng quay trở lại sẽ được nhận đủ, không thiếu một ly một lai!".

Ðó là chuyện của nhiều năm trước. Trở lại Thổ Tang lần này, được biết nghề thương lái đã không còn là độc quyền ở đây nữa. Những xã chung quanh như Ðại Ðồng, Tân Tiến, Nghĩa Hưng... vốn chỉ biết làm ruộng, nông nhàn thì sang Thổ Tang kiếm việc làm thuê, nay cũng đã hình thành một đội ngũ thương lái hùng hậu. Mà cũng phải thôi, công cuộc đổi mới đã đem lại những thay đổi to lớn và toàn diện. Thời trước, hàng hóa hiếm hoi, một mình "anh" Thổ Tang đã bao kín sân, người khác chen chân không lọt. Bây giờ, chỉ riêng nông sản hàng hóa đã nhiều gấp trước hàng chục lần, đường sá thông thương thuận tiện. Cơ hội có đủ cho tất cả! Xã Ðại Ðồng thuần nông xơ xác nghèo ngày ấy giờ đã san sát nhà cao tầng như một khu đô thị giữa cánh đồng. Cả xã có 1.800 hộ thì có tới 500 hộ làm kinh doanh, dịch vụ. Riêng ô-tô đã có gần 120 chiếc, chủ yếu là xe tải. Chủ tịch xã Ðại Ðồng tự hào so sánh: Ðầu nậu, buôn lớn như Thổ Tang thì chúng tôi không bằng, nhưng làm nhiều và giàu đều thì bên này có phần hơn!

Thương lái Ðại Ðồng đã vươn tới khắp mọi miền đất nước, đến cả những vùng sâu, vùng xa heo hút. Bác Lê Văn Vườn, 60 tuổi, ở thôn 3 có con trai là Lê Văn Ðại, chuyên buôn bán lên tận Mường Nhé (Ðiện Biên), huyện biên giới giáp Lào, Trung Quốc. Nhà có chiếc xe tải 11 tấn, khi lên chở gạch ngói, xi-măng, sắt thép.

Mường Nhé là huyện mới, đang được đầu tư mạnh nên nhu cầu xây dựng nhiều. Xe về chở các loại lâm thổ sản miền núi, thường nhất vẫn là trâu, mỗi chuyến được 26 con. Dọc sá ngang đường "rơi vãi" nhiều, nên mỗi con trâu chỉ lãi 500-700 nghìn đồng. Trâu Ðại Ðồng đưa về lại được Thổ Tang thu gom, bán vào miền nam. Mỗi anh ăn lời một chặng. Nghe bác Vườn kể làm ăn trên đó cũng không giống dưới này, nhiều khi phải hướng dẫn đồng bào vùng sâu, chỉ cho họ thấy lợi ích của một loại hàng hóa nào đó, sau đó bán hàng cho họ. Thấy đồng bào gùi lúa nguyên cả bó từ rẫy về nhà, anh Ðại bày cho họ cách dùng máy tuốt lúa đạp chân. Mới rồi, anh Ðại bán được 300 chiếc máy tuốt lúa đạp chân gom mua từ Xuân Trường (Nam Ðịnh). Những chiếc máy này được đặt ngay trong nương lúa. Bây giờ, đồng bào dân tộc thiểu số gặt xong là tuốt lúa tại chỗ rồi mới gùi về cho gọn, nhẹ. Các nhà kinh tế vẫn gọi cách làm này là biết tạo ra nhu cầu để đáp ứng, thu lợi nhuận. Nghe nói, Mường Nhé sắp thành lập cửa khẩu quốc tế. Chỉ riêng trong dòng họ bác Vườn ở xã Ðại Ðồng đã có 20 gia đình lên Mường Nhé làm ăn, đón đầu vận hội mới.

Gặp Bùi Văn Giàu trong khu lán mái lá cọ ở ven quốc lộ 2 thuộc khu 1 xã Ðại Ðồng, thật khó tin chàng trai 26 tuổi này đã là tỷ phú từ vài năm nay. Mỗi năm, Giàu thu mua, tiêu thụ gần 10 nghìn tấn hoa quả các loại, trong đó chỉ riêng dưa hấu đã lên tới 8.000 tấn. Nguồn hàng của Giàu trải khắp các tỉnh miền bắc, miền trung, vào đến tận Long An, sang cả Trung Quốc. Ban đầu cũng chỉ mua số lượng ít, từng xe một ở những vùng lân cận. Rồi có kinh nghiệm, có uy tín, được cánh lái xe giới thiệu thêm mối hàng, nguồn hàng. Nhiều chủ hàng chỉ biết qua điện thoại, thế mà vẫn mua, bán từng chuyến hàng cả vài chục, trăm triệu đồng. Bùi Văn Giàu kiêu hãnh cho biết: "Buôn hoa quả mà chỉ lỡ một vài ngày, gặp một trận mưa là đổ đi cả xe. Nhưng biết tính thì không gì lãi bằng!".

Từ Thổ Tang, nghề thương lái đã dần lan tỏa sang các xã chung quanh. Họ liên kết với nhau thật tự nhiên, thật nhuần nhuyễn, trở thành một bộ máy năng động, hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Bùi Ðức Hùng cho biết: "Làm nông nghiệp bây giờ chỉ lo tính toán, sản xuất thôi. Tiêu thụ đã có thương lái lo. Ðến kỳ thu hoạch, họ vào tận nhà, ra tận ruộng, mua cả đàn, cả thửa!" Khi nền nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, vấn đề lớn nhất là nông dân không còn là "trồng cây gì, nuôi con gì?", mà là "trồng xong, nuôi xong, thì bán cho ai?". Thương lái đã giúp nông dân có câu trả lời. Chính họ đã cần mẫn kết nối, góp phần mở mang tầm vóc cho mỗi vùng quê.