Ðúng cách làm, đúng thời điểm
Cũng như các hoạt động khác, công tác DTÐR cũng phải đúng người, đúng việc, đúng thời điểm mới mang lại kết quả. Chính vì chưa đánh giá đúng điều đó mà trước đây công tác DTÐR ở một số xã của huyện Vĩnh Tường gặp không ít trở ngại, nhất là tại xã Phú Ða. Năm 2018, trong khi nhiều xã triển khai DTÐR ở một vài thôn thì xã Phú Ða đăng ký DTÐR ở tất cả các thôn với tổng diện tích gần 400 ha. Ban đầu tưởng như mọi việc dễ dàng vì được phần lớn nhân dân ủng hộ, song càng làm càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Thôn Gồ của xã Phú Ða bỗng dưng trở thành điểm nóng của huyện vì có 28 hộ dân kiên quyết phản đối DTÐR, bất hợp tác với chính quyền. Có thời điểm các hộ dân này còn cấm cản người dân trong thôn đi họp hay phát biểu ý kiến. Vụ việc khiến cho cả Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Tường phải vào cuộc. Hai đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy được giao phụ trách xã, sáu đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách sáu thôn trong xã, các tổ công tác của huyện liên tục về dự sinh hoạt chi bộ và họp thôn. Bí thư Chi bộ thôn Gồ, ông Nguyễn Ngọc Phú kể: Cán bộ huyện, xã lăn xả vào công việc của thôn. Cán bộ địa chính huyện ăn nghỉ luôn ở nhà Bí thư Chi bộ thôn. Huyện phải thay mấy cán bộ về làm công tác dân vận, đến lúc đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện về đối thoại thì dân mới nghe.
Kết quả, huyện, xã cũng thống nhất thực hiện sáu trong số tám yêu cầu của người dân, còn hai nội dung không thể thực hiện vì trái pháp luật. Dân đồng ý hôm trước, hôm sau xã huy động lực lượng làm ngay. Khó nhất là phá bỏ những trang trại trồng cây ăn quả, mô hình canh tác hiệu quả trên đất ruộng. Chủ trang trại đã đầu tư mấy năm liền, cây cối rất xanh tốt, bưởi, mít bốn, năm tuổi đã cho bói quả. Vận động không được, lãnh đạo huyện đành gặp riêng hai chủ trang trại vận động, thuyết phục: "Thôi thì các bác hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung". Huyện bồi thường cây trái cho các chủ trang trại theo hướng có lợi nhất, song họ vẫn rất thiệt thòi. Lúc chặt phá những cây ăn quả đang kỳ bói, cán bộ huyện, xã đỏ hoe mắt. Không cần nói cũng biết chủ trang trại đau xót nhường nào.
Dù không gặp tình huống khó, nhưng xã Ngũ Kiên cũng mất hơn ba tháng mới hoàn thành DTÐR. Xã phải thay một trưởng thôn và một thành viên tiểu ban DTÐR thôn vì thiếu trách nhiệm. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Chương nhớ lại: Ðể tuyên truyền cho người dân, huyện, xã tổ chức trình chiếu quy hoạch sản xuất, quy hoạch DTÐR tại các khu dân cư. Người dân thấy rõ sơ đồ, lô thửa, đường sá, mương cấp nước, thấy được lợi ích của DTÐR nên dần dần đồng thuận. Tuy nhiên công việc rất nhiều, có hôm nửa đêm cán bộ xã vẫn ở ngoài đồng để đo đếm, san gạt. Có những thửa phải san gạt nhiều lần để nước vào ruộng, vì trước đó thửa thấp thửa cao, kênh, mương thì đã xây từ trước. Việc san gạt cũng hạn chế dùng máy để tiết kiệm kinh phí, chủ yếu làm thủ công. Bài học về vận động quần chúng mà xã Ngũ Kiên rút ra là phải phát huy tính tự chủ của dân, để dân tự bàn, tự tính toán, tự triển khai thì mới thuận lợi.
Thực tế cho thấy, thu nhập của người nông dân sau DTÐR không tăng vì vẫn trồng lúa, ngô như trước. Nhiều xã chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế vượt trội. Song, DTÐR tạo tiền đề quan trọng cho tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất phù hợp quy hoạch và sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân Vĩnh Tường mong muốn địa phương thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao thay thế cho cây lúa, cây ngô.
Khéo léo, kiên trì, cương quyết
Những kinh nghiệm trong DTÐR đang được huyện Vĩnh Tường vận dụng trong công tác GPMB đối với hàng chục dự án hạ tầng triển khai trong năm 2021. Chủ tịch UBND huyện Lê Nguyễn Thành Trung cho biết, nhiệm kỳ này, Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp với quyết tâm rất cao, mà trọng tâm là GPMB đối với ba khu công nghiệp và xây dựng các tuyến đường huyết mạch. Muốn vậy, công tác dân vận, tuyên truyền phải đi trước một bước và công tác bồi thường phải làm rất quyết liệt. Ðối với khu công nghiệp Ðồng Sóc, đến nay huyện đã vận động thành công hơn 3.000 hộ, chỉ còn một hộ chưa đồng ý nhận bồi thường. Thường trực UBND huyện đã họp với chi bộ và khu dân cư thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh tìm cách giải quyết bức xúc của người dân trong quá trình triển khai dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp FLC Vĩnh Phúc tại xã Vĩnh Thịnh. Vĩnh Tường cũng khởi động lại dự án khu công nghiệp (KCN) Chấn Hưng sau 17 năm dang dở vì người dân chưa đồng tình. Huyện đẩy nhanh xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ (chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ cho người dân có đất nông nghiệp được Nhà nước thu hồi) đồng thời với GPMB dự án KCN Chấn Hưng. Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đều xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các điểm nghẽn trong GPMB. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phải tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ đến tận nhà dân để vận động. Ðội ngũ cán bộ, công chức huyện căng sức làm việc vì có nhiều dự án đang chậm tiến độ do GPMB, trong khi số lượng công chức chuyên môn rất thiếu so với khối lượng công việc. Với tiến độ như hiện nay, đến cuối năm 2021, sẽ cơ bản thực hiện xong GPMB đối với các dự án trọng điểm. Ðồng chí Lê Nguyễn Thành Trung đúc kết: Bài học lớn nhất qua DTÐR và GPMB là cán bộ phải về với dân, coi việc của dân như việc của mình. Làm được như thế thì dân sẽ yêu quý, chia sẻ và ủng hộ.
Kinh nghiệm của Vĩnh Tường cũng cho thấy, huyện không thể làm thay xã, xã không thể làm thay thôn trong DTÐR, mà huyện phải tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn cho xã, thôn về DTÐR. Thêm nữa, không thể áp đặt ý chí chủ quan của huyện, xã đối với thôn, xóm trong DTÐR, mà phải phát huy sự chủ động của người dân. Ðối với công tác GPMB, bên cạnh việc kiên trì vận động, phải cương quyết cưỡng chế thu hồi đất, xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật thì mới bảo đảm tiến độ các dự án. Phải thực hiện đúng, đủ các quy trình, công khai, minh bạch các khâu, các bước, người chịu trách nhiệm chính và các nội dung liên quan. Quan trọng nhất, cán bộ phải gần dân, hiểu dân, tận tụy trong công việc và có quyết tâm cao trong hành động thì mới bảo đảm thành công.