Vĩnh Tường chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Là một huyện đất chật, người đông với hơn 191 nghìn dân, chỉ có 87,66 ha đất canh tác nhưng sản xuất nông nghiệp là hàng hóa lại khá nhiều với hơn 4.000 tấn lương thực, gần 3.000 tấn rau, hàng trăm tấn thịt cá và hàng trăm triệu con cá giống.

Mỗi lần về Vĩnh Tường, chúng tôi lại thấy làng quê ấy như đang chuyển đổi. Mùa này, nông dân đang dồn sức ra đồng cấy lúa xuân, chăm sóc và thu hoạch rau quả. Khi trời còn chưa sáng, hàng trăm xe đạp, xe ô-tô đã chở rau, thịt đi Việt Trì, Vĩnh Yên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Nội. Nét mới ở Vĩnh Tường là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa làm cho sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn, phong phú hơn và lấy giá trị trên một đơn vị diện tích làm thước đo hiệu quả. Trong vòng năm năm trở lại đây, giá trị sản xuất một ha canh tác ở Vĩnh Tường từ hơn 24 triệu đồng tăng lên 42 triệu đồng; sản lượng lương thực tăng hơn 10.000 tấn; giá trị ngành chăn nuôi tăng gấp đôi, từ 103 tỷ đồng tăng lên 208 tỷ đồng, trong đó đàn lợn tăng hơn 7.000 con, đàn bò từ 15.000 con tăng lên 27.000 con, sản lượng cá từ 930 tấn tăng lên 23.300 tấn.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ở Vĩnh Tường trước hết là bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn việc dồn đổi thửa, sắp xếp lại đất đai. Chín xã vùng đất bạc màu chuyển một phần diện tích chưa hoàn toàn chủ động nước sang trồng rau màu. Vùng đồng bằng có một phần đất trũng chuyển sang nuôi thả cá. Các xã vùng bãi trước đây trồng mía, nay chuyển sang trồng ngô, trồng cỏ nuôi bò.

Vĩnh Tường là huyện trọng điểm lúa với 6.000 ha lúa đông xuân và 7.000 ha lúa mùa. Lâu nay, nông dân mỗi vụ cấy đến 15 giống lúa, đa số là giống ngắn ngày, chất lượng và năng suất thấp. Từng hộ nông dân tùy tiện gieo cấy giống lúa mà họ thích. Vì vậy, đến mùa thu hoạch, các cánh đồng lúa có ruộng lúa vàng óng, lại có ruộng lúa mới trổ bông. Xu hướng gieo cấy nhiều vụ bằng các giống ngắn ngày làm cho hiệu quả kinh tế thấp, nông dân lại vất vả. Nay Vĩnh Tường xóa số giống ngắn ngày, chỉ cấy các giống lúa muộn có năng suất cao là Khang Dân 18, Q5, Bồi Tạp Sơn Thanh, Ái Hoa, Thành, DT10 và một số giống đặc chủng như nếp, tám thơm... Nhờ đó năng suất lúa đã tăng vọt, năng suất bình quân từ 51 tạ/ha tăng lên 57 tạ/ha, có vụ đạt 67 tạ/ha.

Ðạt được kết quả này, Vĩnh Tường đã thực hiện một cuộc "cách mạng" về giống và chuyển dịch cơ cấu mùa vụ theo phương châm chuyển giao công nghệ đến nông dân, gắn kết giữa nhà nông với các nhà khoa học và chính quyền giữ vai trò chủ đạo. Huyện chỉ đạo thực hiện cung cấp giống lúa, lịch thời vụ, cơ cấu giống và bảo lãnh các giống lúa với nông dân, cũng như cung cấp nước, thuốc trừ sâu. Việc chuyển giao công nghệ cho nông dân được làm quyết liệt và mạnh mẽ đến từng thôn xóm. Có năm có tới 13 nghìn hộ nông dân được tập huấn về kỹ thuật gieo cấy giống mới từ khâu làm đất, gieo mạ có ni-lông che, lịch gieo mạ, lịch cấy đối với từng loại lúa. Nhờ đó, trong năm năm qua, diện tích cấy lúa giảm gần 500 ha do chuyển sang đất xây dựng và trồng rau, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng gần 7.000 tấn.

Trồng rau là một nghề truyền thống của nông dân Vĩnh Tường. Nhiều hộ nhờ trồng rau mà có cuộc sống khá giả. Mấy năm nay nhiều nông dân Vĩnh Tường coi trồng rau là một nghề kinh doanh. Có hộ thu cả trăm triệu đồng một vụ. Ngoài việc trồng các loại rau thông thường, rau cao cấp, rau quả trái vụ. Các giống rau mới như ớt Hồng Công, ca ca... thì Vĩnh Tường cũng có. Ở Vĩnh Tường, nhiều năm nay xuất hiện nghề kinh doanh rau giống. Nghề này không tốn nhiều diện tích đất, vốn bỏ ra không nhiều, nhưng thu nhập lại khá. Ở Tân Tiến và Ðại Ðồng mỗi xã có từ 50 đến 70 hộ kinh doanh rau giống. Mỗi gia đình chỉ gieo ươm 5-7 sào trồng rau, mỗi vụ ươm gieo sáu bảy lứa rau, cũng có thu nhập 60-70 triệu đồng.

Vĩnh Tường đất chật, người đông, không có đồng cỏ, không có đất hoang, ngay đất ở cũng hiếm, thế mà đàn bò trong năm năm trở lại đây tăng đột biến, từ 15.000 con lên 27.000 con, trong đó có 670 con bò sữa, mỗi ngày có gần 3.000 lít sữa tươi hàng hóa. Các xã nuôi nhiều bò thuộc vùng đất bãi, trong đó Vĩnh Thịnh 1.900 con, Cao Ðại 1.400 con, An Tường hơn 1.000 con. Ðàn bò tăng gần gấp đôi, nhưng sản lượng thịt lại tăng hơn hai lần bởi chất lượng đàn bò thay đổi. Xưa nuôi bò cóc bé nhỏ, nay nuôi bò lai sind, có con trọng lượng tăng gấp đôi bò cóc.

Ðây là kết quả của phương hướng chuyển dịch cơ cấu trong ngành chăn nuôi của huyện Vĩnh Tường, trong đó xác định con bò là mũi nhọn trong ngành chăn nuôi theo phương châm vừa tăng nhanh đàn bò vừa thay đàn bò cóc bằng đàn bò lai sind.

Ðể thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu này, huyện Vĩnh Tường đã sớm xây dựng đề án phát triển đàn bò trong đó có những điểm trọng yếu là năm xã vùng bãi, chín xã vùng đất bạc màu có quỹ đất "Hòa Thảo" từ 2.000 đến 3.000 ha là vùng trọng điểm nuôi bò và thực hiện các chính sách kinh tế, khuyến khích người chăn nuôi; phát triển nhanh đàn bò thịt, nuôi bò sữa; thay đàn bò cóc bằng giống bò lai sind.

Ðể thực hiện đề án ấy, Vĩnh Tường đã gây dựng đàn bò giống sind với 60 con, bình quân mỗi xã hai con, đủ cung cấp giống cho đàn bò cái. Những chính sách khuyến khích người nuôi bò thật cụ thể. Hộ nuôi bò đực giống được hỗ trợ hai triệu đồng. Người thụ tinh cho bò theo phương pháp nhân tạo không phải trả tiền. Một trăm hộ nghèo ở các xã Phú Ða, Phú Thịnh, Yên Bình được vay vốn với lãi suất 0,48%. Hộ nuôi bò sữa được ngân hàng cho vay vốn. Nhiều hộ khá giả lên nhờ nuôi bò sữa.

Chúng tôi về xã Vĩnh Thịnh, một xã vùng bãi có tới 154 hộ nuôi bò sữa với 490 con. Các hộ này đều nuôi từ hai đến ba con trở lên. Chỉ riêng về giống, nông dân ở đây đã đầu tư không dưới 10 tỷ đồng, đó là chưa kể đến những khoản đầu tư khác như công cụ, máy vắt sữa, thức ăn, chuồng trại. Cái gì đã thu hút nông dân nơi đây? Câu trả lời là lợi nhuận và cái mới.

Chúng tôi vào thăm Bí thư Ðảng ủy xã Ðào Minh Tuấn, "ông Vua" nuôi bò sữa. Ông Tuấn có đàn bò sữa lớn nhất ở đất này, lúc cao điểm có 37 con, tiền bán sữa mỗi ngày cũng có vài triệu đồng. Ông nuôi bò sữa theo quy trình khá hoàn hảo: có máy vắt sữa đôi, có 1,1 mẫu cỏ, có người chăm sóc bò chuyên nghiệp. Còn những thức ăn khác như vỏ đỗ, bã bia, bã sắn đã mua theo hợp đồng, ngày ngày chở đến, còn ông vẫn chú tâm làm công tác Ðảng với chức vụ Bí thư Ðảng ủy xã.

Ban đầu, vốn liếng gia đình ông chỉ có vài chục triệu. Thế mà chỉ năm năm sau nhờ nuôi bò sữa, cơ ngơi của ông có đến bạc tỷ. Ông Tuấn tâm sự với chúng tôi: "Làm Bí thư Ðảng ủy xã, cũng phải biết kinh doanh và làm giàu chính đáng".

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là bước mở đầu cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang làm thay đổi vùng quê Vĩnh Tường. Hạ tầng cơ sở, đường đi lối lại và đặc biệt là tư duy của người làm nông nghiệp đã khác trước. Tuy nhiên, khó khăn còn nhiều. Vĩnh Tường chưa có vùng chuyên canh sản xuất nông sản và thị trường còn bó hẹp, chưa vươn được xa, sẽ là rào cản trong bước đi lên. Mặt khác, làm nông nghiệp còn yếu tố rủi ro, khi mưa nắng thuận hòa, lúc mưa dông bão lụt. Ngày nay sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn có yếu tố thị trường và giá cả điều tiết. Ðầu năm 2006, cơn "sốc" giá làm giá sữa bò giảm từ 3.600 đồng/lít xuống dưới ba nghìn đồng/lít. Người nuôi bò chao đảo, nhiều người thua lỗ. Ở Vĩnh Thịnh nông dân đã bán gần 100 con bò sữa. Nhiều người thua lỗ. Cuối năm, giá sữa lên đến 4.200 đồng/lít. Nhiều người nuối tiếc. Hàng chục người lại tìm lên Yên Bái, Tuyên Quang mua bò sữa. Giá cả đang góp phần điều tiết sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi những người nông dân Vĩnh Tường phải có kiến thức, am hiểu thị trường hơn nữa.