Việt Nam-Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp

NDO - Trong thời gian tới, các cơ quan của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ các bên liên quan của Liên bang Nga để sớm hoàn thiện Thỏa thuận về giáo dục nghề nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Molisa)
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Molisa)

Ngày 7/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng có buổi tiếp và làm việc với Thứ trưởng Giáo dục Liên bang Nga Denis Gribov nhân dịp ông tới Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 24 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ vui mừng đón tiếp Thứ trưởng Giáo dục Liên bang Nga đến thăm và làm việc tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ông đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực lao độnggiáo dục nghề nghiệp.

“Liên bang Nga là một trong những thị trường truyền thống và tiềm năm tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Từ năm 2016 đến nay, được sự đồng ý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chấp thuận cho 7 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Liên bang Nga. Các doanh nghiệp đã đưa được khoảng 4.500 lao động trong các ngành, nghề” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin.

Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng điểm lại các kết quả hợp tác chung giữa hai bên. Theo đó, năm 2016-2019, Liên bang Nga đã hỗ trợ Việt Nam thông qua Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội trong khuôn khổ dự án “Áp dụng Chiến lược đào tạo G20” với một số nội dung chính. Đó là: Nâng cao năng lực của các cơ quan chính phủ và các bên liên quan; củng cố hệ thống đào tạo kỹ năng trong các ngành kinh tế; cải tiến và áp dụng phương pháp dự báo kỹ năng và chương trình đào tạo cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2016-2019, Liên bang Nga đã hỗ trợ Việt Nam thông qua Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội trong khuôn khổ dự án “Áp dụng Chiến lược đào tạo G20”.

Trao đổi nội dung làm việc với Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Giáo dục Liên bang Nga Denis Gribov cho biết, năm 2020, hai bên đã xây dựng dự thảo Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tiến triển gì về việc đàm phán lại Thỏa thuận hợp tác trên do hai bên chưa thống nhất về nội dung kỹ thuật của Thỏa thuận.

Theo ông Denis Gribov, những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp của Liên bang Nga ngày càng được ưa chuộng. Hơn nữa, xu hướng này đã trở nên ổn định và phổ biến không những đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở mà cả học sinh trung học. Thời gian đào tạo trong các trường nghề và trường trung cấp kỹ thuật ngắn hơn, học phí thấp hơn so với bậc đại học từ 30 đến 50%.

Tại Nga có hàng nghìn cơ sở giáo dục đào tạo, khoảng 3.200 trường trung cấp giáo dục nghề, hơn 600 trường trung cấp trực thuộc các cơ sở giáo dục đào tạo và 400 cơ sở giáo dục nghề tư nhân. Hiện hơn 3 triệu học viên đang tham gia theo học ở các cơ sở trên.

Hiện nội dung về thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bao gồm việc ký kết Thỏa thuận hợp tác trên, đã được đưa vào Biên bản Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6/4.

Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất cao việc tái khởi động đàm phán Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục Nga như đã trao đổi vào năm 2020.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn liên quan của Bộ để phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan của Liên bang Nga để sớm hoàn thiện Thỏa thuận về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp thúc đẩy hơn nữa hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa hai bên, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.