Giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động

Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so các nước trên thế giới, tiếp tục là “điểm nghẽn” cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất lao động tại nước ta...
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra tay nghề của người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. (Ảnh MINH THẮNG)
Kiểm tra tay nghề của người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. (Ảnh MINH THẮNG)

Hiện nay, phần lớn lực lượng lao động nước ta chưa có bằng cấp, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26,2%. Yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặt khác, cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động do ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp; chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn, nhất là tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp và tuyển sinh đối với các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương mang tính hành chính, cơ học, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp. Nguồn lực hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm còn hạn chế. Công tác xã hội hóa, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn hạn chế…

Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết: Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu tổng quát là tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu số lượng tuyển sinh tăng khoảng 10% so năm 2022. Theo đó, Tổng cục tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hướng dẫn địa phương, cơ sở phối hợp ngành giáo dục triển khai thực hiện Quyết định 552/QĐ-TTg ngày14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đồng thời, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, một trong những chỉ tiêu quan trọng là đến năm 2025, có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, và đến năm 2030 có 90 trường chất lượng cao, trong đó 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 6 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Về cơ cấu mạng lưới, đến năm 2025, sẽ có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và năm 2030 cơ cấu còn 1.700 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.