Việt Nam và Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp

NDO - Thời gian qua, Chính phủ Anh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Cụ thể như: các hoạt động thuộc dự án Chương trình EU VET Toolbox; các chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên dạy nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN; liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA). (Ảnh: Nhật Quang)
Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA). (Ảnh: Nhật Quang)

Ngày 21/2, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh” và ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA).

Hoạt động này là sự kiện chính thức đầu tiên nhằm triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm 2022 giữa hai Chính phủ nhân kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Trong thời gian qua, Chính phủ Anh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Đó là thông qua các hoạt động thuộc dự án Chương trình EU VET Toolbox; các chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên dạy nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN; liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức cấp phát bằng của Anh.

Hội thảo lần này là cơ hội để các đối tác, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Anh chia sẻ về thế mạnh và ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Từ đó, hai bên cùng thống nhất các hoạt động, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

Trước mắt, nội dung hợp tác sẽ tập trung vào việc hỗ trợ chính sách cấp vĩ mô thông qua chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong giáo dục nghề nghiệp của Anh trong việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy công nghệ số trong đào tạo trực tuyến và phát triển các kỹ năng liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ phát triển các chương trình tiếng Anh; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của hai nước.

Việt Nam và Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp ảnh 1

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nhật Quang)

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, ngày 5/4/2022, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai Chính phủ đã được ký kết. Bản ghi nhớ này tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước ở một tầm cao mới. Đây cũng là Bản ghi nhớ cấp Chính phủ đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và đối tác quốc tế, là cơ sở giúp Anh trở thành đối tác lâu dài, đáng tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Vương quốc Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa đối với 2 quốc gia, thể hiện tầm vóc mới của quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh - cường quốc phát triển toàn cầu với Việt Nam - một quốc gia ASEAN đang phát triển năng động tại khu vực chiến lược Đông Nam Á, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được thực thi và mang lại những kết quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của hai quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và hội nhập quốc tế vẫn là một thách thức đối với Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, tại trụ cột 6 về nhân lực, kỹ năng của lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 93 so với 140 nền kinh tế được đánh giá. Chính vì thế, việc hợp tác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các nước trong khu vực và trên thế giới được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm.

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam thực thi UKVFTA và trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới, trong đó Vương quốc Anh là một trong những đối tác truyền thống với hệ thống đào tạo nghề được duy trì theo những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt và là niềm tự hào của người dân Anh”.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhận định, giáo dục nghề nghiệp của Vương quốc Anh được đánh giá là một trong những hệ thống hàng đầu thế giới nhiều thập kỷ qua. Người dân Anh tự hào khi giáo dục chính là một trong những “mặt hàng xuất khẩu” lớn nhất của đất nước mình. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được duy trì theo các tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, với phương pháp đào tạo, mô hình, sản phẩm và hệ thống văn bằng, chứng chỉ được sử dụng, công nhận và được tin cậy trên toàn thế giới.

“Là một đối tác đối thoại gần đây của ASEAN, Anh lựa chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong chiến lược giáo dục ASEAN. Vương quốc Anh mong muốn xây dựng danh tiếng của mình cả trong khu vực rộng lớn hơn và song phương với những người bạn như Việt Nam, với tư cách là một đối tác lâu dài, đáng tin cậy”, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội thảo, lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Hiệp hội Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) cũng đã diễn ra. Theo đó, phía Anh sẽ hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về ba nội dung sau.

Một là, xây dựng, phát triển Chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho giảng viên ngành, nghề kế toán và kinh doanh của các trường cao đẳng đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế; trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng làm việc ở trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, quản trị, tài chính.

Hai là, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng cao kỹ năng trong đào tạo nghề, đào tạo gắn với với nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực kế toán, kinh doanh nói riêng.

Ba là, hỗ trợ các trường cao đẳng tại Việt Nam triển khai đào tạo chương trình học và thi để cấp Chứng chỉ quốc tế Diploma về kế toán và kinh doanh theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh cũng như kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, tài chính, kinh doanh.

Việt Nam và Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp ảnh 2

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: Nhật Quang)

Với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Thương mại quốc tế (Anh) và 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức giáo dục của Vương quốc Anh, các đại biểu dự hội nghị đã trao đổi những lĩnh vực ưu tiên hợp tác, xây dựng kế hoạch cụ thể và nỗ lực triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ đã ký.

Trong năm 2022, Việt Nam tuyển sinh gần 2,26 triệu người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đạt 108,3% so với kế hoạch.
Đến hết năm 2022, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 410 trường cao đẳng, 437 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 683 cơ sở, chiếm 35,8%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ.