Hòa chung niềm vui đó, phóng viên Báo Nhân Dân đến làng gốm Bàu Trúc ghi nhận hình ảnh không khí nhộn nhịp, hăng hái thi đua lao động sản xuất của đồng bào Chăm nơi đây.
Làng gốm Bàu Trúc nằm cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 10 km về phía nam. Làng có gần 600 hộ với gần 5.000 người là đồng bào dân tộc Chăm. Theo lưu truyền của cư dân địa phương, vị tổ nghề là vợ của ông Poklong Chanh đã truyền dạy nghề làm gốm cho thiếu nữ Chăm từ ngàn xưa. Từ đó đến nay, đồng bào Chăm luôn cần mẫn với việc duy trì nghề được xem là cổ xưa nhất Đông-Nam Á bằng tất cả tâm hồn và sự sáng tạo của mình. Vào dịp Lễ hội Ka-tê hằng năm, bà con làng gốm Bàu Trúc đều tổ chức cúng tế để tỏ lòng nhớ ơn vị tổ nghề.
Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu rồi thả hồn mình theo cảm xúc riêng trong không gian mình đang hiện hữu và dùng đôi bàn tay khéo léo để nhào nặn những khối đất sét vô tri tạo nên sản phẩm là những hình ảnh, đồ dùng độc đáo.
Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi, trấu và rơm trong 48 giờ ở nhiệt độ khoảng 8.00 độ C. Nguyên liệu: đất sét, cát, nước, củi và rơm được khai thác tại chỗ. Đất sét được bồi đắp từ nguồn nước trên thượng nguồn đổ về vào những mùa mưa lũ hàng năm tại cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc. Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ như: vòng quơ, vòng cạo (bằng tre) để cạo mỏng thân gốm, vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tỉnh Ninh Thuận là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay. Với sự ghi nhận này của UNESCO, đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị của nghề truyền thống của trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc gắn liền với hoạt động văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm. |
Hi |
Trong Lễ hội Ka tê hằng năm, đồng bào Chăm làng Bàu Trúc đều tổ chức các cuộc thi làm gốm để tôn vinh những thợ có tay nghề giỏi. |
Sản phẩm gốm Bàu Trúc được trưng bày nhiều nơi tại làng Bàu Trúc để giới thiệu với du khách thập phương. |
Khách hàng đặt mua nhiều sản phẩm gốm Bàu Trúc, đem lại thu nhập khá cho người dân làng nghề. |
Gốm Bàu Trúc không cần lò nung, phương pháp truyền thống nơi đây là chất rơm rạ, củi và nung gốm ngay ngoài trời. |
Thế hệ trẻ luôn được truyền dạy nghề để tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống của cộng đồng. |