Kéo dài từ ngày 30/4-1/5, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động phong phú và đa dạng nhằm chào mừng Ngày hội Thống nhất non sông tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Và sự kiện “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng” là điểm nhấn của chuỗi hoạt động diễn ra trong dịp này.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cho hay: “Mỗi năm, làng đều phối hợp với một địa phương khác nhau để tổ chức nhiều chương trình sôi nổi, phản ánh những đặc trưng về văn hóa và giới thiệu các nghề thủ công truyền thống. Năm nay, chúng tôi phối hợp với tỉnh Cao Bằng, triển khai phiên chợ vùng cao đặc sắc, tôn vinh nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em”.
Không gian “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng” là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của bà con các dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng và Dao của tỉnh Cao Bằng.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn quan tâm đến hành trình khám phá, trải nghiệm của các du khách. Sau kỳ nghỉ 30/4-1/5 này là đợt nghỉ hè, làng dự định, năm nay, sẽ tập trung vào đối tượng là các học sinh, sinh viên. Ban quản lý làng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức trại hè cho các em, để các em hiểu hơn về các cộng đồng dân tộc.
Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung
Trung tâm của chợ phiên vùng cao là các gian hàng trưng bày các sản vật như: rau cải, măng khô, măng tươi, su su, các loại gia vị đặc trưng... Nhiều món ăn đặc trưng của dân tộc H'Mông cũng được giới thiệu như: thắng cố, rượu ngô, xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...
Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội để quảng bá các điểm đến du lịch đặc sắc của tỉnh Cao Bằng tới rộng rãi khách tham quan.
“Trong những dịp nghỉ lễ dài như 30/4-1/5 năm nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã lên những kế hoạch phù hợp để phục vụ khách du lịch. Về làng, du khách sẽ được tận hưởng những giá trị văn hóa, cùng trò chuyện và chứng kiến các nghệ nhân thực hành, cũng như tham gia vào các phong tục, tập quán của các dân tộc”, ông Trịnh Ngọc Chung chia sẻ.
Đến với “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc trong dịp này, người dân không chỉ được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu vùng cao phía bắc với các hoạt động trao đổi, mua bán hàng sôi nổi mà còn được hòa mình và tham gia vào những hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa.
Từng người sẽ thử nhấm nháp rượu ngô, ăn thắng cố cùng chúc tụng và chia vui. Họ sẽ được lắng nghe điệu khèn của người H'Mông, say sưa giữa khúc hát sli, lượn của người Tày, Nùng và hát giao duyên khi chơi chợ. Sau đó, trải nghiệm làm xôi ngũ sắc, nấu rượu, dệt vải, làm hương và tìm hiểu nghề in sáp ong.
Du khách tham quan không gian của người Mông ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Ở không gian khác của làng, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về nghề làm hương Phia Thắp - một loại hương nồng nồng, cay cay được làm từ lá của cây trầm do các nghệ nhân dân tộc Nùng thể hiện. Ngoài ra, người Dao Tiền cũng biểu diễn in hoa văn sáp ong trên vải. Đây là nghề thủ công truyền thống, chứa đựng sức sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình của người Dao Tiền.
Theo ông Chung, trong không gian rộng lớn của làng, mỗi dân tộc đều có những hoạt động riêng để khắp bản làng không chỉ sống động về mặt kiến trúc mà còn mang đến những trải nghiệm đa dạng cho khách tham quan.
Trao đổi về vấn đề phát triển du lịch của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thời gian tới, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến hành trình khám phá, trải nghiệm của các du khách. Sau kỳ nghỉ 30/4-1/5 này là đợt nghỉ hè, làng dự định, năm nay, sẽ tập trung vào đối tượng là các học sinh, sinh viên. Ban quản lý làng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức trại hè cho các em, để các em hiểu hơn về các cộng đồng dân tộc”.
Bên cạnh đó, vào sáng 30/4, du khách sẽ được chứng kiến sự kiện tái hiện Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng, linh thiêng của đồng bào Lô Lô, tỉnh Cao Bằng, thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch.
Đồ tế lễ phải có rượu ngô, chó, gà, 1 thanh kiếm bằng sắt hoặc gỗ, 1 bát nước, 4 chén rượu, 4 ống hương bằng tre tượng trưng cho 4 phương trời. Dân tộc Lô Lô tổ chức lễ hội này để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng ấm no.
Khèn - biểu tượng văn hóa của người H'Mông
Vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của người H'Mông được xem là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Người H'Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn H'Mông được sử dụng trong đa dạng hoàn cảnh như: lễ, tết, dùng để chúc mừng, đón khách, cưới hỏi…
Tiếng khèn vang vọng, lúc khoáng đạt, lúc nhỏ nhẹ, dạt dào. Người H'Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, đệm cho các bài dân ca hoặc những vũ điệu mạnh mẽ. Vì thế, khèn cũng là phương tiện để kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư, giãi bày tâm tư tình cảm giữa người với người.