Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng Phong Lệ

NDO - Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã được đưa ra bàn thảo, trao đổi tại buổi tọa đàm khoa học "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ", do Hội văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, tổ chức ngày 13/12.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Phát biểu tại tọa đàm, Nhà nghiên cứu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, nhấn mạnh: Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ, tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ” nhằm trao đổi về các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ.

Kết quả của các nghiên cứu này nhằm góp phần giúp cơ quan quản lý đề ra chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian làng Phong Lệ trong đời sống hiện nay, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi học thuật góp phần giúp hội viên Hội Văn nghệ dân gian có thêm kinh nghiệm nghiên cứu và hiểu biết về văn hóa của một vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc trưng của thành phố Đà Nẵng.

Tọa đàm với nhiều tham luận được nghiên cứu công phu, dẫn luận cụ thể về các giá trị di sản văn hóa của làng Phong Lệ (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) như: "Làng cổ Phong Lệ và những trầm tích lịch sử-văn hóa" của Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng; "Những khác biệt làm nên giá trị văn hóa làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng; "Từ kiến trúc xưa làng Phong Nam nghĩ về công việc bảo tồn" của Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ; "Bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng dân gian làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang; "Xung quanh dự án Nghiên cứu phục dựng lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt; "Vài suy nghĩ về bảo tồn di sản văn hóa làng Phong Lệ xưa" của Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn; "Những đặc trưng sinh hoạt gia đình, dòng tộc ở vùng Phong lệ xưa và nay" của Nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Tân…

Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng Phong Lệ ảnh 1

Lễ hội rước Mục Đồng làng Phong Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng Đinh Thị Trang, trong bối cảnh hiện nay, dưới những tác động của quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra trên cả nước nói chung, địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng, một số làng xã cũng chịu nhiều ảnh hưởng, có những biến đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực như: kinh tế-văn hóa-xã hội, đặc biệt là các giá trị của di sản văn hóa dân gian.

Nhiều làng xã cách đây vài năm vẫn còn “cảnh quan làng quê truyền thống với đồng ruộng xanh tươi, lũy tre xanh chạy dọc đường làng, giếng cổ bên nếp nhà xưa”… thì nay khung cảnh nên thơ ấy cũng dần phai nhạt. Đây cũng là “cảnh báo” cho làng cổ Phong Lệ trong tương lai.

Việc nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ trên nhiều góc độ như lịch sử, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, làng nghề, văn hóa dòng họ… trong bối cảnh hiện nay không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

"Chúng tôi kỳ vọng qua tọa đàm này, sẽ góp một tiếng nói chung về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân gian làng cổ Phong Lệ, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa, di sản của thành phố Đà Nẵng”, bà Đinh Thị Trang nhấn mạnh.

Làng Phong Lệ thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đây là một ngôi làng cổ xuất hiện từ thời Hồng Đức, cách nay hơn 500 năm. Ngày trước làng có tên Đà Ly, sau đổi tên thành Phong Lệ.

Đây là ngôi làng còn lưu giữ nhiều giá trị của làng quê truyền thống nên nhiều người nhắc đến như một làng cổ trong lòng thành phố Đà Nẵng. Ngày nay, địa phận làng Phong Lệ không còn giữ nguyên phạm vi như xưa, mà đã có sự phân chia lại, ngoài khu vực thuộc xã Hòa Châu, còn có một phần thuộc phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).

Làng Phong Lệ hiện nay có nguồn lực văn hóa hết sức phong phú và đa dạng, bao gồm nguồn lực văn hóa vật thể như đình, miếu, chùa, nhà thơ tiền hiền, nhà cổ, di chỉ khảo cổ Chăm..; nguồn lực văn hóa phi vật thể như các phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc..., tiêu biểu nhất là Lễ hội rước Mục Đồng.