Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một tháng trước, ông đã kêu gọi toàn bộ các nước trên thế giới trì hoãn tiêm liều vaccine tăng cường ít nhất cho đến cuối tháng 9, để ưu tiên tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, người đứng đầu WHO kêu gọi các quốc gia ngừng triển khai liều tăng cường cho đến ít nhất cuối năm 2021, để cho phép người dân ở các quốc gia khác được tiếp cận vaccine.
Lời kêu gọi khẩn thiết nêu trên được đưa ra khi số liều vaccine viện trợ thông qua cơ chế COVAX sẽ giảm 25% nếu không có hành động khẩn cấp từ các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nhà sản xuất vaccine. Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, nhưng 80% số đó là ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao. Mặc dù các quốc gia có thu nhập cao đã cam kết tặng hơn một tỷ liều, nhưng chỉ chưa đến 15% số liều đó được bàn giao.
Sự mất cân bằng nghiêm trọng trong khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước giàu và nghèo đã khiến giới điều hành COVAX phàn nàn rằng, “bức tranh toàn cầu” về việc tiếp cận vaccine là không thể chấp nhận được. Mới chỉ có 20% số người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình nhận được mũi tiêm đầu tiên, trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu là 80%. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đơn vị chịu trách nhiệm hậu cần của COVAX cho biết, đến nay, cơ chế này mới chỉ phân phối được khoảng 243 triệu liều vaccine cho 139 quốc gia nghèo trên thế giới.
COVAX thừa nhận chỉ có thể cung cấp vaccine cho tối đa 20% số người dân sống tại các nước nghèo trong năm 2021, ít hơn nhiều so với kỳ vọng. Cơ chế phân phối công bằng vaccine này phải hạ đáng kể số lượng vaccine có thể tiếp cận được trong năm nay, chỉ khoảng 1,425 tỷ liều, trong khi mục tiêu đặt ra là cung cấp cho các nước nghèo hai tỷ liều.
Trong lúc nguồn cung vaccine cho COVAX tiếp tục bị ảnh hưởng, việc san sẻ vaccine, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước nghèo là việc làm cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu.