Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ

Tại Đà Nẵng hiện có 110 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, trong đó, gần 40% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ được ưu tiên nguồn lực và kết nối, ngành công nghiệp phụ trợ của Đà Nẵng trở thành một trong ba lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, với giá trị tăng thêm giai đoạn 2011-2020 đạt gần 17.500 tỷ đồng, chiếm hơn 20% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất bao bì từ nhựa tái chế thân thiện với môi trường của Công ty APPLE film-Nhật Bản tại Khu công nghiệp Hòa Cầm.
Dây chuyền sản xuất bao bì từ nhựa tái chế thân thiện với môi trường của Công ty APPLE film-Nhật Bản tại Khu công nghiệp Hòa Cầm.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết: Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có năm khu công nghiệp (KCN), một khu công nghệ cao (KCNC), một khu công nghệ thông tin tập trung và một số khu, cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư.

Đến nay, các KCN ở Đà Nẵng đã thu hút được 522 dự án, trong đó 397 dự án trong nước với số vốn đầu tư hơn 31,9 nghìn tỷ đồng và 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn hơn 1,9 tỷ USD. Năm 2010, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố chiếm 14,6%, đến năm 2020 đạt 16,1%. Cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, trong đó ngành công nghiệp phụ trợ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp phụ trợ chỉ chiếm hơn 10%, thì đến năm 2020 chiếm hơn 20% tỷ trọng toàn ngành công nghiệp của Đà Nẵng.

Trên địa bàn thành phố hiện có 110 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, với 39% số đó là doanh nghiệp FDI và 61% là doanh nghiệp trong nước. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Đà Nẵng đều đã tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, với các sản phẩm đa dạng trong ngành ô-tô, điện tử, cơ khí chính xác. Một số doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước tại Đà Nẵng có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm, với thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, mở rộng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp phụ trợ giai đoạn 2011-2020 đạt gần 17.500 tỷ đồng, chiếm hơn 20% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, trở thành một trong ba lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH bao bì Tân Long tại KCN Liên Chiểu cho biết: “Tân Long là đơn vị chuyên sản xuất thùng carton cung cấp cho thị trường miền trung-Tây Nguyên và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Gần đây, với chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, kết nối khách hàng, đối tác..., hỗ trợ kinh phí quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm... của chính quyền và ngành công thương Đà Nẵng, chúng tôi có điều kiện tiếp cận, ký kết hợp tác với nhiều đối tác, khách hàng hơn”. Cùng chung nhận định, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao-su

Đà Nẵng (DRC) cho biết: Những năm qua, DRC nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ ngành công thương trong chương trình kết nối các doanh nghiệp phụ trợ. Cụ thể, nhờ có sự hỗ trợ của Sở Công thương Đà Nẵng, DRC đã thực hiện đăng ký các tiêu chuẩn trong ngành sản xuất lốp đối với thị trường Mỹ là Smart White, DOT; các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu và nhiều thị trường khó tính khác.

Đến nay sản phẩm của DRC đã xuất hiện ở gần 50 quốc gia trên thế giới. Đối với DRC và nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ khác, sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng ở Đà Nẵng mang lại hiệu quả lớn nhất chính là kết nối các doanh nghiệp có chung lĩnh vực sản xuất để tạo nên sức cạnh tranh cho sản xuất công nghiệp nói chung, công nghiệp phụ trợ nói riêng.

Ông Kim Tae Hoon, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam chia sẻ: Samsung Việt Nam đã và đang xây dựng triết lý đồng thịnh vượng-đôi bên cùng có lợi, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và mở rộng chuỗi cung ứng của Samsung tại Việt Nam nhờ việc hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hoạt động như cải tiến phát triển năng suất, chất lượng sản xuất các phụ kiện linh kiện cho smartphone, smart TV và các sản phẩm hoàn thiện khác.

Đây cũng là điều kiện để Samsung Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. “Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, cải tiến, tăng năng suất và chất lượng cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2018, chúng tôi tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng tư vấn cho 406 chuyên gia người Việt Nam và đang đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu.

Từ năm 2022, chúng tôi tiến hành hướng dẫn phát triển nhà máy thông minh, trong đó ưu tiên lựa chọn các nhà máy tại Đà Nẵng, nơi có nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ cao dồi dào. Thông qua chương trình phát triển nhà máy thông minh, Samsung tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngành phụ trợ sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ đó mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp phụ trợ ở Đà Nẵng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Kim Tae Hoon cho biết.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, những năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố. Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt bình quân 12% mỗi năm.

Trong đó, các ngành sử dụng kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao năm 2025 chiếm 33%, năm 2030 chiếm gần 50%. Đến năm 2030, ngành công nghiệp phụ trợ chiếm 40% giá trị tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, an toàn, công nghệ cao.