Báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19 do các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán; tình trạng xung đột, dễ bị tổn thương và sự sụt giảm niềm tin của người dân vào tiêm chủng.
Trong báo cáo mới nhất về tiêm chủng công bố ngày 20/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cảnh báo, có tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250 nghìn trẻ em ở Việt Nam, không được tiêm vaccine đầy đủ, và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm tại 112 quốc gia trong 3 năm, từ năm 2019 tới năm 2021.
Theo Báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2023 với chủ đề "Vaccine cho mọi trẻ em" cho biết, có đến 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vaccine nào, hay còn gọi là “0 liều vaccine”.
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine” nhiều nhất thế giới, với số lượng 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021.
Có thể thấy, trên thế giới, những trẻ không được tiêm chủng đến từ các cộng đồng nghèo, xa xôi và chịu nhiều thiệt thòi nhất và đôi khi trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột.
Các dữ liệu mới được tổng hợp phục vụ báo cáo của Trung tâm Công bằng Y tế Quốc tế cho thấy, trong nhóm những hộ gia đình nghèo nhất, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm ngừa vaccine, trong khi đó, đối với nhóm những hộ gia đình giàu có nhất, tỷ lệ này chỉ là 1/20. Báo cáo cho thấy, trẻ em không được tiêm chủng thường sống tại các cộng đồng khó tiếp cận, thí dụ như khu vực nông thôn hoặc khu ổ chuột đô thị. Mẹ của các em thường không được đi học và ít có tiếng nói trong các quyết định của gia đình...
Đây là các thách thức lớn nhất đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi có tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở mức 1/10 em ở khu vực thành thị và 1/6 em ở nông thôn.
Tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3%-4,2%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm các hộ gia giàu nhất (13,5%-6,6%).
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam, đặc biệt là do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vaccine Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà.
Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vaccine hiện nay. Chúng tôi rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi.
Trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian xảy ra đại dịch, hiện đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người”.
Đồng thời, báo cáo của UNICEF cũng chỉ ra rằng, trong đại dịch Covid-19, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm chủng cho trẻ em đã suy giảm ở 52 trong tổng số 55 quốc gia được nghiên cứu.
Niềm tin về tiêm chủng thay đổi theo từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng một số yếu tố diễn ra, đồng thời có thể làm gia tăng tình trạng do dự khi tiêm vaccine.
Những yếu tố này bao gồm sự không chắc chắn về công tác ứng phó với đại dịch, mức độ tiếp cận thông tin sai ngày càng gia tăng, niềm tin vào công tác chuyên môn ngày càng giảm bên cạnh tình trạng phân cực về chính trị.
Để tất cả trẻ em đều được tiêm chủng thì một việc vô cùng quan trọng là phải tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và cung cấp cho những người lao động tuyến đầu, hầu hết là nữ, những nguồn lực và hỗ trợ mà họ cần.
Báo cáo của UNICEF cho thấy, phụ nữ là lực lượng tiến hành tiêm chủng ở tuyến đầu nhưng họ thường nhận được mức lương thấp, công việc không chính thức, thiếu đào tạo chuyên môn bài bản, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng thời họ cũng phải đối mặt với các mối đe dọa về an toàn.
Để giải quyết vấn đề về khủng hoảng liên quan sự sống còn của trẻ em, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ tăng cường cam kết về gia tăng nguồn lực tài chính cho công tác tiêm chủng và hợp tác với các bên liên quan để khai thác các nguồn lực sẵn có, khẩn trương thực hiện và đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng để bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa các dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2023 với chủ đề "Vaccine cho mọi trẻ em" khuyến nghị và kêu gọi các Chính phủ: nhanh chóng xác định và tiếp cận tất cả các trẻ em, đặc biệt là những trẻ không được tiêm chủng trong đại dịch Covid-19; tăng cường nhu cầu tiêm chủng, bao gồm xây dựng niềm tin của người dân; ưu tiên ngân sách cho các dịch vụ tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng hệ thống y tế có khả năng chống chịu cao, thông qua đầu tư cho nữ nhân viên y tế, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và sản xuất trong nước...
Bà Lesley Miller cho rằng, với kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng toàn dân lớn nhất chống lại dịch Covid-19, đã tạo nền tảng tốt để Việt Nam có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm cung ứng vaccine hiện nay và nhanh chóng tiêm bổ sung cho những em chưa được tiêm chủng.
Tiêm chủng thường xuyên và hệ thống y tế vững mạnh là cách thức tốt nhất để ngăn chặn những mất mát và tử vong không nên có, cũng như phòng ngừa các đại dịch trong tương lai.
Theo UNICEF, hậu quả của việc không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Biến đổi khí hậu có thể khiến các cộng đồng mới bị phơi nhiễm, với những bệnh truyền nhiễm như: sốt rét, sốt xuất huyết, tả... làm thay đổi mô hình bệnh tật theo mùa.
Việc không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em cũng đẩy lùi tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tiêm chủng là chìa khóa để thực hiện SDG3: “Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.