Bình luận quốc tế

Lấp đầy khoảng trống trong tiêm chủng cho trẻ em

Hơn 2 năm kể từ khi bùng phát, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu, khiến nhiều trẻ em có nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm, vốn có thể được ngăn chặn nhờ vaccine. Nếu những “khoảng trống” trong tiêm chủng không sớm được lấp đầy, thành quả phòng chống dịch bệnh của thế giới trong 20 năm qua có thể bị đảo ngược.

Tiêm chủng cho trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế. (Ảnh: Getty Images)
Tiêm chủng cho trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế. (Ảnh: Getty Images)

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca mắc bệnh sởi tại châu Phi đã tăng 400% so mức cùng kỳ năm 2021. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 1 và 2 vừa qua, thế giới ghi nhận hơn 17.300 ca sởi, tăng gần gấp đôi so mức cùng kỳ năm 2021. Trong vòng 1 năm (tính đến tháng 4/2022), có 21 đợt bùng phát mạnh dịch sởi trên thế giới. Năm 2021, 24 nước châu Phi xác nhận bùng phát một biến thể của bệnh bại liệt, 13 nước báo cáo các đợt dịch sốt vàng da. Con số thực tế có thể cao hơn, do các hệ thống theo dõi dịch bệnh trên toàn cầu bị gián đoạn vì Covid-19.

Giới chuyên gia y tế nhận định, những con số đáng báo động nêu trên phần nào phác họa bức tranh u ám về thực trạng lây nhiễm của các căn bệnh vốn đã được khống chế nhờ sự ra đời của các loại vaccine cách đây hàng chục năm. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi nhấn mạnh, xu hướng gia tăng số ca mắc các bệnh có thể phòng bằng vaccine là lời cảnh tỉnh thế giới về những “cơn bão” dịch bệnh chực chờ ập đến.

Tỷ lệ bao phủ vaccine thấp được cho là nguyên nhân chính khiến các dịch bệnh bùng phát trở lại và lây lan mạnh. Theo thống kê mới được UNICEF công bố, đến ngày 1/4 vừa qua, có 57 chiến dịch tiêm phòng đã được phê duyệt ở 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, song chưa được thực hiện. Sự đình trệ này ảnh hưởng đến 203 triệu người, trong đó hầu hết là trẻ em.

Trong năm 2020, khoảng 23 triệu trẻ em trên thế giới bị lỡ các mũi vaccine cơ bản và đây là mức cao nhất kể từ năm 2009. Chỉ riêng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe, cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm chủng định kỳ. Gần 2,5 triệu trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng bạch hầu, uốn ván và ho gà, trong đó, 1,5 triệu trẻ thậm chí chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine nào. UNICEF cảnh báo, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng sụt giảm là “bước lùi nguy hiểm”. Điều này khiến sức khỏe của trẻ vị thành niên gặp rủi ro và có thể kéo theo những hậu quả lâu dài.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng những nỗ lực tiêm chủng, gây quá tải các hệ thống y tế trên toàn cầu. Trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những căn bệnh chết người, như bại liệt, sởi, viêm phổi. Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng để các nước cùng hành động nhằm đảo ngược tình thế, bảo vệ trẻ em và cũng là bảo vệ tương lai của thế giới.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chiến dịch tiêm chủng mở rộng tại các quốc gia đã đối mặt nhiều thách thức. Tại các nước có xung đột và nghèo đói như Somalia, Ethiopia, Afghanistan…, bảo đảm trẻ em được tiêm vaccine đầy đủ là một nhiệm vụ khó khăn. Hệ thống y tế yếu kém, trang thiết bị bảo quản vaccine thiếu thốn, cùng việc khó tiếp cận người dân sống ở những khu vực an ninh bất ổn là những rào cản lớn đối với sứ mệnh mang vaccine đến với người dân. Khó khăn lại chồng chất thêm khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm chao đảo hệ thống y tế, các cơ sở tiêm chủng buộc phải thu hẹp hoạt động, trong khi người dân lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi đến các trung tâm y tế.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, Giám đốc UNICEF tại Mỹ Latin và Caribe Jean Gough nhấn mạnh, trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, các nước cần sớm hành động nhằm đảo ngược tình trạng sụt giảm tỷ lệ bao phủ vaccine. UNICEF và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) cùng các đối tác đã khởi động Chương trình tiêm chủng đến năm 2030 (IA2030). Theo WHO, nếu được triển khai đầy đủ, IA2030 sẽ giúp ngăn chặn khoảng 50 triệu ca tử vong trên thế giới.

Nhanh chóng đưa các chiến dịch tiêm chủng thiết yếu trở về đúng quỹ đạo là nhiệm vụ cấp bách, nhằm lấp đầy những “khoảng trống” do dịch Covid-19 tạo ra và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các đợt dịch nguy hiểm trong tương lai ■

TIẾN NAM