Báo động sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em

Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em sụt giảm ở mức kỷ lục. Khoảng 25 triệu trẻ em trên khắp thế giới không được tiêm các loại vaccine cơ bản như vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà…Tỷ lệ bao phủ vaccine đang ở mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ 21.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ bao phủ vaccine đang ở mức thấp.
Tỷ lệ bao phủ vaccine đang ở mức thấp.

Nguy cơ bùng dịch

Thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh viêm não và viêm màng não đang vào mùa cao điểm. Ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện điều trị, có ngày bốn hoặc năm trường hợp. Hiện, trung tâm đang điều trị 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau, trong đó có năm trường hợp đã khẳng định và một ca nghi ngờ mắc viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý, nhiều trẻ bị gia đình bỏ lỡ mũi vaccine phòng bệnh khiến bệnh tình trở nặng.

Thông tin từ Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC, Covid-19 kéo dài suốt hơn hai năm qua đã khiến nhiều gia đình bỏ lỡ lịch tiêm các loại vaccine, đặc biệt các loại quan trọng với trẻ em như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1, phế cầu, cúm, vaccine phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus, sởi-quai bị-rubella… Trong khi đó, đây là những vaccine quan trọng, gần như không thể thiếu để phòng các bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm gan… Đặc biệt, một số vaccine chỉ có thể đạt hiệu quả miễn dịch ở độ tuổi nhất định. Bỏ lỡ lịch tiêm khiến trẻ không còn cơ hội được phòng bệnh tối ưu suốt đời. Hậu quả là một số bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, vốn có thể được bảo vệ bằng vaccine, quay lại. Và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Năm 2021, Nghệ An là tỉnh có sự xuất hiện trở lại của hai bệnh dịch nguy hiểm: bạch hầu và viêm màng não. Hai dịch bệnh xuất hiện chỉ cách nhau vài tháng. Theo các chuyên gia, khả năng rất lớn các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vốn được bảo vệ bằng vaccine sẽ có cơ hội quay trở lại. Nắng nóng, cộng với thay đổi thời tiết bất thường, tâm lý tranh thủ đi du lịch, nghỉ mát sau dịch Covid-19, các gia đình di chuyển nhiều, gia tăng tiếp xúc… là những yếu tố tăng thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm bùng phát và lan rộng trong dân cư.

Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Ưu tiên phòng Covid-19, kinh tế khó khăn, áp lực đè lên hệ thống chăm sóc sức khỏe… được cho là các nguyên nhân ngăn cản nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em. Theo báo cáo mới nhất của WHO và UNICEF công bố ngày 14/7, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu tiếp tục giảm mạnh vào năm 2021. Trẻ em thế giới đang đối mặt nguy cơ bùng phát một loạt dịch bệnh có tỷ lệ tử vong cao, nếu không được tiêm chủng đầy đủ.

Cụ thể, tỷ lệ trẻ em được tiêm ba liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) - được WHO gọi là “vaccine cứu sinh” - đã giảm xuống còn 81%. Theo đó, 25 triệu trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP3 thông qua các dịch vụ tiêm chủng thông thường chỉ trong năm 2021, nhiều hơn 2 triệu so năm 2020 và 6 triệu so 2019 - thời điểm trước khi bùng dịch Covid-19. Tương tự, so năm 2019, thêm 6,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ ba của vaccine bại liệt và 3,5 triệu trẻ bỏ lỡ liều đầu tiên của vaccine HPV - loại vaccine bảo vệ trẻ em gái chống lại ung thư cổ tử cung sau này trong cuộc đời. Tỷ lệ bao phủ bệnh sởi liều đầu tiên giảm xuống 81% vào năm 2021, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Điều này có nghĩa là 24,7 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều tiêm sởi đầu tiên vào năm 2021, nhiều hơn 5,3 triệu so năm 2019. Thêm 14,7 triệu trẻ không nhận được liều thứ hai cần thiết.

“Đây là một báo động đỏ về sức khỏe trẻ em. Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm liên tục lớn nhất về lượng tiêm chủng ở trẻ em trong một thế hệ”, theo bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF. Đối với nhiều bệnh, tối thiểu 90% trẻ em cần được tiêm chủng để ngăn chặn sự bùng phát thành dịch. Tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm đã làm gia tăng số ca mắc của nhiều căn bệnh. Cụ thể, tại châu Phi, số ca mắc sởi tăng tới 400% trong năm nay.

“Chúng ta cần bắt kịp tốc độ chủng ngừa cho hàng triệu trẻ còn thiếu các mũi tiêm. Nếu không chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn, nhiều trẻ em bệnh hơn và áp lực lớn hơn đối với hệ thống y tế vốn đã căng thẳng”, chuyên gia UNICEF khẳng định.

WHO cảnh báo thêm rằng sự “trượt lùi lịch sử” về tỷ lệ tiêm chủng đang diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng đang tăng nhanh. Một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng đã có khả năng miễn dịch suy yếu và việc bỏ lỡ tiêm chủng có thể đồng nghĩa với việc các bệnh thông thường ở trẻ em sẽ nhanh chóng gây tử vong.