Hình thức tuyên truyền này mang lại hiệu quả cao ở những địa bàn dân trí thấp, tỷ lệ người già và người không biết chữ cao. Đây là cách đáp ứng nhanh các yêu cầu thông tin, các vấn đề nóng, nhạy cảm mà các hình thức khác khó thực hiện kịp thời.
Tây Nguyên là vùng đang còn nhiều khó khăn, cần phải thúc đẩy phát triển, rút dần khoảng cách với mặt bằng cả nước; cũng là địa bàn mà các tổ chức phản động luôn thực hiện các âm mưu thù địch phá hoại thành quả cách mạng. Do vậy, việc nâng cao chất lượng tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có kênh tuyên truyền miệng, luôn được coi là nhiệm vụ chính trị trọng yếu của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên. Phương châm đặt ra là: Cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, trong đó lực lượng báo cáo viên là nòng cốt.
Có dịp theo chân các tuyên truyền viên ở cơ sở mới thấy được sự nhiệt tình, khéo léo và những khó khăn của họ. Ở địa bàn Tây Nguyên, những vấn đề cần phổ biến, vận động rất nhiều. Những vấn đề lớn như đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, xây dựng nông thôn mới; đến bảo vệ rừng, môi trường, thay đổi cung cách làm ăn, chính sách dân số, xóa đói, giảm nghèo.
Đến những việc hằng ngày như vận động người dân tránh xa các tệ nạn hút xách, rượu chè, từ bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan, lễ lạt lãng phí. Một bộ phận đồng bào do nhận thức kém bị người xấu kích động, lôi kéo, lợi dụng, các tuyên truyền viên lại góp sức giáo dục, giải thích để họ thấu hiểu, hối cải, chí thú làm ăn…
Tuy nhiên, chất lượng, nội dung tuyên truyền vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân; tính định hướng, tính thuyết phục chưa cao; chủ yếu tuyên truyền một chiều từ trên xuống; việc chủ động lắng nghe, đối thoại còn hạn chế, hay việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng xã hội, nguyện vọng của nhân dân còn có lúc, có nơi chưa thật kịp thời.
Bởi vậy, cấp ủy các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng. Trước hết là rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời tổ chức các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao chất lượng các loại hình cung cấp thông tin định hướng; bám sát các hướng dẫn của Trung ương, nhiệm vụ của các cấp ủy cùng nhu cầu thông tin của các nhóm đối tượng để lựa chọn, xây dựng nội dung và kế hoạch tuyên truyền một cách phù hợp.
Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thi nhằm tạo cơ hội cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, các địa phương cũng thường xuyên lập các đoàn kiểm tra công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở để bổ sung, điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh…