Tuổi trẻ hiến kế xây dựng và phát triển khu đô thị phía đông

Thành phố Thủ Đức sau gần hai năm công bố thành lập đang cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hành trình đó, tuổi trẻ các đơn vị đã có những hiến kế thiết thực, hiệu quả để đồng hành đưa địa phương này trở thành động lực phát triển cho thành phố và cả các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Thủ Đức.
Một góc thành phố Thủ Đức.

Trong nhiều công tác, kế hoạch cần thực hiện cho mục tiêu đó, các hiến kế của tuổi trẻ các cơ quan, đơn vị đã tạo nên những "lát cắt" giúp thành phố có thêm thông tin, gợi ý để phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao thành phố Thủ Đức phát triển theo đúng lộ trình đề ra.

Từng bước "khoác áo mới" cho đô thị

Khu vực phía đông Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ sáp nhập lại vào tháng 12/2020 với tên gọi mới là thành phố Thủ Đức, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, quy mô dân số khoảng 1 triệu người (chiếm 12% tổng dân số thành phố). Thành phố Thủ Đức có nhiều thế mạnh nổi trội như: hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như tuyến metro số 1 từ Suối Tiên-Bến Thành; quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai,… thuận lợi để phát triển hệ thống mới hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là ngành logistics. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực này cũng đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước như khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia,... Dù vậy, trong điều kiện non trẻ, khu vực phía đông thành phố còn tồn tại nhiều khó khăn, trở ngại như: quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi; giao thông còn chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, không an toàn, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng. Quy hoạch giao thông công cộng chỉ vừa đạt yêu cầu cơ bản, trong khi các nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Theo UBND thành phố Thủ Đức, sáu tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương tăng 7,86% so cùng kỳ; riêng thương mại, dịch vụ tăng 21,69%. Tuy nhiên, dư địa để thành phố "bung sức" và phát triển như kỳ vọng vẫn là rất lớn. Trao đổi về vấn đề chung tay phát triển thành phố Thủ Đức tại tọa đàm "Xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố" mới đây, Bí thư Đoàn khối Dân-Chính-Đảng Nguyễn Đăng Khoa cho biết: Tuổi trẻ các đơn vị đang tìm hiểu, phân tích và tìm các giải pháp cho nhiều vấn đề như: tìm hiểu những điểm chưa hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý và các cơ chế chính sách đối với đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông; sự kết nối giữa Nhà nước, nhà đầu tư, nhà giáo dục cần được triển khai như thế nào để tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển. Đối với vấn đề nguồn nhân lực, thành phố Thủ Đức phấn đấu đến năm 2025 có 20 nghìn kỹ sư, chuyên gia; số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, giải pháp sẽ là gì?

Những hiến kế cho tương lai

Bằng những kiến thức chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực, tuổi trẻ các đơn vị thuộc Đoàn khối Dân-Chính-Đảng đã có nhiều hiến kế để tham mưu, xây dựng cho thành phố Thủ Đức phát triển xứng tầm với quy mô, tầm vóc với các quy hoạch đã đề ra. Anh Nguyễn Thành Trung, chuyên viên Phòng Quản lý khu trung tâm, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý tưởng và giải pháp về thiết kế đô thị thích ứng nước cho thành phố Thủ Đức. Thời gian qua, khi nhiều tuyến đường ở địa phương này tái diễn cảnh ngập nước thì việc xử lý nước mưa chảy tràn cần phải được xem xét trong quy hoạch tổng thể và thiết kế của khu đô thị để bảo đảm sự phát triển đô thị bền vững về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế. Các giải pháp bao gồm kỹ thuật và thuận tự nhiên mà anh Nguyễn Thành Trung đề xuất gồm: việc xây dựng ô trữ sinh học tại các khu dân cư, khu thương mại, công viên, các khoảng đất trống ven đường,... để thu nước mưa. Ngoài ra, việc xây dựng các vỉa hè dễ thấm, rãnh thấm, ao thực vật cũng nên được bố trí ở nhiều nơi nhằm hạn chế tình trạng nước chảy tràn so với các khu vực bị bê-tông hóa. Tại các hộ gia đình, khu thương mại,... nên bố trí thùng thu nước mưa để kiểm soát nước mưa từ mái nhà. Nước này có thể dùng tưới vườn, nông nghiệp, vệ sinh,... Đối với việc áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, đại diện Phòng Khoa học và Công nghệ thành phố Thủ Đức cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như: Cổng thông tin điện tử và ứng dụng trực tuyến trên thiết bị di động; xây dựng phần mềm văn phòng điện tử..., đặc biệt là Trung tâm điều hành thông minh giúp lãnh đạo địa phương có đánh giá toàn diện các hoạt động đang diễn ra, thực hiện giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định các tình huống cụ thể trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề này cũng là thách thức đối với địa phương khi đội ngũ nhân lực của đơn vị còn gặp nhiều hạn chế về trình độ, nhận thức,...

Cùng tham gia hiến kế để phát triển thành phố Thủ Đức, Đoàn Thanh niên Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất nhiều giải pháp thực tiễn như: chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các giải pháp của Tổng cục Thuế, trong đó, Đoàn Thanh niên phải là lực lượng đi đầu trong việc tìm hiểu các chính sách mới hoặc cách sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời triển khai cho đơn vị; tổ chức các chương trình tập huấn cho người nộp thuế bằng hình thức trực tuyến; xây dựng các công cụ tiếp nhận trực tuyến những vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải đáp trong phạm vi chương trình; xây dựng đội ngũ trẻ nắm vững chuyên môn, hiểu rõ về ứng dụng nội ngành để kịp thời hỗ trợ công chức thuế cũng như người nộp thuế một cách thống nhất, nhanh chóng và hiệu quả nhất.