Sau hội thề Lũng Nhai, tháng 2/1418, Lê Lợi cùng toàn thể nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Ít ngày sau, giặc Minh phái đô đốc Chu Quảng cùng hàng chục nghìn quân càn quét, ráo riết truy bắt Bình Định Vương Lê Lợi.
Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” cầm 500 quân cưỡi voi chiến xung trận, hy sinh thân mình để cứu Chúa, tạo tâm lý chủ quan, sơ hở của giặc Minh để Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn có thời gian củng cố, phát triển binh lực, chuyển vào Nghệ An đánh chiếm thành lũy, mở rộng vùng giải phóng.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành thắng lợi vẻ vang. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, truy tặng Lê Lai chức Thiếu úy; sai Nguyễn Trãi viết “Tiên ước và Lai công thệ từ”, dặn con cháu sau khi Lê Thái Tổ mất thì cúng giỗ Lê Lai vào ngày hôm trước giỗ mình, khắc ghi công đức của Lê Lai cùng các con đẻ đã hy sinh vì nước.
Tại đền Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc hiện thờ, táng Lê Lai theo tập tục “thượng sàng, hạ mộ”. Các hộ dân ở làng Tép phân công nhau chọn gà nuôi, gạo nếp, hoa quả trong vườn dâng Thành hoàng làng trong lễ khai hạ và cứ “Hăm mốt Lê Lai”.
Nghi thức dâng sản vật, tế cúng Lê Lai thường diễn ra vào khoảng 6 giờ 30 phút đến hơn 7 giờ trong ngày chính lễ với mong ước cầu mùa, quốc thái, dân an. Kế tiếp là phần hội với các tiết mục biểu diễn cồng chiêng, sắc bùa, pồn pôông, đánh cờ người, ném còn được bảo lưu, tái hiện trong đời sống đồng bào Mường hấp dẫn, thu hút nhân dân, khách thập phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kiên Thọ, Quách Văn Phong thông tin: Toàn xã có 2.971 hộ, hơn 13 nghìn nhân khẩu, trong đó 60% là đồng bào Mường. Chung sức xây dựng nông thôn mới, mỗi hộ gia đình đóng góp từ 1,2-2 triệu đồng tiếp tục kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, tăng cường các thiết chế văn hóa cơ sở.
Hiện 11 câu lạc bộ văn nghệ, 22 đội bóng chuyền nam, nữ là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động văn hóa, thể thao và Kiên Thọ đã và đang triển khai xây dựng 3/11 nhà sàn văn hóa, đã sưu tầm được 4 bộ cồng chiêng. Những người cao tuổi, am hiểu văn hóa dân tộc tích cực truyền dạy sắc bùa, các làn điệu xường Mường, làm cây bông, đánh, biểu diễn cồng chiêng, phụ nữ truyền dạy dệt thổ cẩm, thường mặc trang phục truyền thống.
Khả Lam, căn cứ địa của Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn xưa thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, đang phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa.
Tên các vị vua, hoàng hậu, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc được đặt tên cho các tuyến đường, khu phố nhằm giáo dục truyền thống, tôn vinh các vị vua anh minh, hoàng thân, quốc thích vương triều Hậu Lê. Ban quản lý di tích Lam Kinh cũng nỗ lực bảo tồn, bảo vệ các di tích vệ tinh; từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa, thị trấn Lam Sơn đã trùng tu, tôn tạo Đình và chùa Hào Lương, tu bổ đền Ngọc Lam.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh: Phát triển văn hóa-du lịch, giữ gìn bản sắc dân tộc là chương trình công tác trọng tâm của cấp ủy, chính quyền thị trấn; huy động sự tham gia tích cực của nhân dân, các tổ chức tập hợp quần chúng.
Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản; các đội tế nam, tế nữ được thành lập ở phố Lam Sơn, phố Phúc Lâm, đáp ứng yêu cầu thực hành nghi lễ cổ truyền. Nổi bật là Hội Phụ nữ thị trấn có nhiều việc làm thiết thực trong chăm sóc, chỉnh trang, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các di tích.
Khu di tích Lam Kinh được quy hoạch quản lý hơn 200 ha. Sau nhiều lần khai quật khảo cổ học, tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học; cơ quan chức năng đã tiến hành trùng tu, từng bước phục dựng các công trình kiến trúc. Khu lăng mộ các vua và hoàng thái hậu, giếng cổ, cầu Bạch, sông Ngọc, hồ Tây, Ngọ môn, 5 trong số 9 tòa thái miếu, chính điện Lam Kinh, đồ thờ, sân rồng được tôn tạo, phục dựng.
Thảm thực vật ở đây cũng được cải tạo, tái trồng các giống cây bản địa, bảo tồn các cây cổ: Đa thị, sanh, sui, duối, xoài đất. Trên diện tích gần 100 ha có tới hàng trăm loài thực vật, trong đó có 70 loài quý hiếm, nhiều loài cây dược liệu, 18 cây được vinh danh Cây di sản Việt Nam và rừng Lam Kinh là nơi cư trú, sinh tồn, điểm đến của nhiều loại chim.
Lam Kinh - địa chỉ về nguồn, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, khắc ghi công lao các tướng lĩnh, nghĩa quân Lam Sơn, tri ân Lê Thái Tổ cùng vương triều Hậu Lê và là điểm đến của đông đảo du khách gần, xa.
Theo Phó trưởng Ban quản lý di tích Lam Kinh, Bùi Ánh Tuyết: Tính đến đầu tháng 9 năm nay có hơn 200 nghìn lượt du khách đến Lam Kinh, trong đó học sinh về nguồn tìm hiểu về lịch sử, di sản dân tộc chiếm khoảng 30% và có hơn 600 lượt khách du lịch quốc tế.
Ngoài chỉnh trang nhà đón, tiếp khách, Ban quản lý tiếp tục sưu tầm, mới bổ sung thêm 50 hiện vật, thay đổi một số nội dung, hiện vật trưng bày, nhất là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chất lượng thuyết minh viên. Các thuyết minh viên ở Lam Kinh còn trợ giảng tại các trường học trong giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động hiện đại.