Trồng lúa carbon thấp

Theo Báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp hiện là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí metan phát ra từ lúa gạo. Báo cáo cũng nêu ra nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả trong công tác tưới tiêu; mật độ gieo sạ rất cao cùng với tỷ lệ bón phân cao và chưa hiệu quả; quản lý chưa đúng cách các phụ phẩm sau thu hoạch như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp.

Trong khi đó, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính vì vậy, chuyển đổi sang trồng lúa carbon thấp đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng lúa gạo hiện nay. Điều này một mặt góp phần từng bước thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Mặt khác cũng là bước đi đón trước những yêu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng gạo nhằm tăng sức cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu gạo khác trên thế giới. Cụ thể, sau COP26, các nước xuất khẩu nông sản lớn đang tăng cường tính bền vững đối với chuỗi sản xuất để giữ vững và mở rộng thị trường quốc tế; đồng thời tăng các chuẩn mực quy định đối với những thị trường xuất khẩu chính. Bên cạnh đó, phân khúc người tiêu dùng nhạy cảm với carbon ngày càng tăng sẽ tác động lớn đến thị trường gạo.

Chưa kể, trong tương lai, khi sản xuất lúa carbon thấp được triển khai trên diện rộng thông qua Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long thì ngoài bán gạo, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu bán tín chỉ carbon trên thị trường carbon toàn cầu.

Để làm được điều này, các giải pháp được đưa ra là thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1 phải: phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 giảm: giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch). Bên cạnh đó là áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, như sử dụng internet vạn vật (IoT) có cảm biến nước để giúp nông dân quyết định tốt hơn về lượng nước tối ưu cần sử dụng. Với cách này, lượng nước sử dụng sẽ giảm rất nhiều so với việc làm ngập ruộng lúa thủ công.

Ngoài ra, hiện chi phí cho việc chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo carbon thấp là khá cao. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam sẽ cần đầu tư 515 USD/ha để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải đối với kịch bản tầm trung và lên tới khoảng 3.890 USD/ha đối với kịch bản cao vào năm 2030. Do đó, ngoài nỗ lực của các cơ quan liên quan và sự đồng lòng hưởng ứng chuyển đổi của nông dân, thì rất cần huy động sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế để Việt Nam sớm hiện thực hóa nền sản xuất lúa gạo carbon thấp.