IEA: Các cam kết đến nay tại COP26 giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,8 độ C

NDO -

Ngày 4/11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, các cam kết không phát thải ròng và cắt giảm khí methane của nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) sẽ thúc đẩy thế giới gần với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C.

Các turbine điện gió lúc hoàng hôn tại Pháp. Ảnh: Reuters.
Các turbine điện gió lúc hoàng hôn tại Pháp. Ảnh: Reuters.

Trên Twitter, Giám đốc IEA Fatih Birol viết: "Phân tích của IEA cho thấy, việc đạt được đầy đủ tất cả các cam kết giảm phát thải carbon ròng bằng 0 cho đến nay và cam kết giảm thải khí methane toàn cầu vừa được ký, sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,8 độ C".

Ông Birol cho biết, những cam kết này có nghĩa là Hội nghị COP26 ở Glasgow, Anh, đang tiến tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và nỗ lực giới hạn mức nóng lên xuống 1,5 độ C.

IEA là cơ quan giám sát năng lượng hàng đầu thế giới đưa ra dự đoán rằng, năm nay sẽ không có dự án nhiên liệu hóa thạch mới nào ngoài những dự án đã được phê duyệt sẽ được tiếp tục để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Đây là một bước tiến lớn, nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế!", ông Birol bổ sung.

Ngày 2/11, gần 90 quốc gia đã đồng ý tham gia vào nỗ lực do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Đến nay, đã có 132 quốc gia đã công khai cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, trong đó có Việt Nam.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu