Tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia hiện nay. Nhiều năm qua, nâng cao năng lực cạnh tranh được Chính phủ Việt Nam xác định là chiến lược quốc gia với những bước đi mạnh mẽ và cụ thể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất các sản phẩm dệt nhuộm tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam (vốn đầu tư Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh ÐĂNG DUY)
Sản xuất các sản phẩm dệt nhuộm tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam (vốn đầu tư Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh ÐĂNG DUY)

Chính vì vậy, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) là cơ hội để Chính phủ lắng nghe cả những thông lệ tốt và khó khăn trực diện của doanh nghiệp để thông qua cơ chế đối thoại tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của khối tư nhân trong nước, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính

Chuẩn bị cho VBF năm 2023, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh tiếp tục kiến nghị về những vướng mắc liên quan thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, các kiến nghị về thuế, hải quan...

Trong phiên họp kỹ thuật diễn ra trước ngày khai mạc VBF năm 2023, ông Trần Anh Ðức, Nhóm công tác đầu tư và thương mại nhận định, thời gian qua có nhiều điểm tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan hoạt động đầu tư, đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, như việc cơ quan chức năng yêu cầu nộp bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện đã chuyển sang làm trực tuyến. Trong lĩnh vực bán lẻ thuộc thẩm quyền cấp phép của ngành công thương vẫn còn nhiều thủ tục kéo dài, có doanh nghiệp hơn sáu tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Ðáng lưu ý, nhà đầu tư đến Việt Nam từ đầu những năm 1990 hiện sắp hết hạn giấy phép đầu tư sau 30 năm hoạt động nhưng thủ tục gia hạn rất phức tạp, chồng chéo giữa Luật Ðầu tư và Luật Ðất đai. "Các doanh nghiệp mong có hướng dẫn cụ thể để yên tâm được gia hạn dự án, hợp đồng kinh doanh. Thực hiện tốt điều này cũng là cách để khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài", ông Trần Anh Ðức kiến nghị.

Ðại diện cho Nhóm công tác cơ sở hạ tầng, ông Tony Foster nhắc đến hai nội dung cần thúc đẩy trong thời gian tới. Ðó là sớm phê duyệt Quy hoạch Ðiện VIII và kế hoạch thực hiện; sớm ban hành các quy định của ngành khí tác động đối với các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Trong đó có những vấn đề cần làm rõ liên quan đến hợp đồng mua bán điện khung mới cho lĩnh vực LNG và điện gió ngoài khơi; tiến trình cải cách thủ tục hành chính và quy định cho phép khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện… Theo ông Tony Foster, cơ sở hạ tầng là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi vốn rất lớn, vì vậy, giải quyết được những vướng mắc, kiến nghị nêu trên sẽ là yếu tố thúc đẩy khả năng tiếp tục thu hút vốn đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh Phó cục trưởng Ðiện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết tại Tờ trình và dự thảo Quy hoạch Ðiện VIII gần đây nhất, Bộ Công thương đã tính toán cơ cấu nguồn điện bảo đảm chuyển dịch sang xu hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Ðối với những khó khăn liên quan phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương đã nhận diện, tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ. Một số kiến nghị khác của doanh nghiệp cũng được đại diện các bộ, ngành liên quan giải đáp trực tiếp trong phiên họp kỹ thuật của VBF năm 2023, nhất là những vướng mắc liên quan đến cách hiểu chưa thống nhất và vênh nhau trong vận dụng thực thi các quy định của pháp luật.

Tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới ảnh 1

Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh Thanh Hương)

Kinh tế xanh là động lực tăng trưởng

Nhắc đến mục tiêu thu hút đầu tư vào kinh tế tuần hoàn, ông Micheal Digregorio, Nhóm công tác môi trường nhấn mạnh: Trong vài năm gần đây, khu vực tư nhân đã tăng cường áp dụng các nguyên tắc tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược và kế hoạch phát triển của mình. Ðộng lực cho điều này đến từ ba yếu tố chính, gồm nhu cầu đã được công nhận trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, yêu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ và các quy định của chính phủ.

Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc lồng ghép những nguyên tắc này vào quy định pháp lý nhưng ông Micheal Digregorio cho rằng, cần xem xét tính khả thi về một số nội dung liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong Luật Bảo vệ môi trường để bảo đảm những quy định này được triển khai trong thực tế đạt được hiệu quả và không làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Ðồng thời cần có cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải. Ðó chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững nhưng cũng đã đến lúc cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ tái chế nhất định… Liên quan cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này kỳ vọng năm 2023 sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn, buộc toàn ngành phải đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và xác định chính xác cơ hội để xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, chú trọng trách nhiệm đối với môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp phải đưa ra các ý tưởng mới, khái niệm thông minh, mô hình canh tác sáng tạo, số hóa, công tác hậu cần (logistics) hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đã tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh từ sớm, thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng. Tại Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, các nhiệm vụ và hành động được xây dựng trên cơ sở lựa chọn tăng trưởng xanh cao. Theo đó có tính đến các giải pháp khả thi về kỹ thuật, phù hợp năng lực, có khả năng thực hiện và đẩy mạnh triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, thay vì chỉ tính đến các giải pháp có tính khả thi về kinh tế. Ðiểm mấu chốt của Chiến lược là cân bằng hài hòa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với phát triển xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp. Quá trình này không thể thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư kinh doanh, vì một mục tiêu cao nhất là bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững với nhu cầu cấp bách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo kế hoạch, ngày 19/3, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 khai mạc tại Hà Nội với chủ đề Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận. Phiên 1: Ðồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn phát triển kinh tế xanh; Phiên 2: Vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2023, VBF kỷ niệm 25 năm thành lập.