Giá gạo xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua có nguyên nhân từ nhu cầu nhập khẩu tăng từ các quốc gia do chính sách bảo đảm an ninh lương thực. Trong khi đó, do Ấn Độ vẫn áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng xuất khẩu cho nên khách hàng đang tìm tới thị trường có giá cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, từ đầu tháng 1/2023, Trung Quốc mở cửa lại biên giới sau thời gian dài hạn chế giao thương do dịch Covid-19 cũng khiến lượng gạo nhập khẩu của nước này tăng lên đáng kể. Ngoài những lý do khách quan đó, lý do chủ quan hết sức quan trọng, đó là chất lượng gạo của Việt Nam đã và đang không ngừng được nâng cao. Trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu thì hiện lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao đứng vị trí hàng đầu.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng có sự chuyển hướng linh hoạt và đa dạng, không còn quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống mà đã thâm nhập vào nhiều thị trường và khu vực thị trường chất lượng cao như châu Âu, Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lớn. Trong đó, các loại gạo đặc sản như ST24, ST25 xuất sang châu Âu có mức giá lên đến hơn 1.000 USD/tấn.
Đây được coi là thắng lợi của ngành lúa gạo Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại, chuyển từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng. Đây cũng là xu hướng chủ đạo trong phát triển ngành lúa gạo Việt Nam những năm tiếp theo, nhất là khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đang tích cực hoàn thiện và triển khai đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, để giữ vững và nâng cao hơn nữa giá gạo xuất khẩu thì ngành hàng này cũng cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ; ổn định và không ngừng cải tiến chất lượng gạo với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng mới của nhiều khách hàng trên thế giới như gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, các sản phẩm chế biến sâu từ gạo… Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc hài hòa lợi ích trong sản xuất và xuất khẩu gạo.
Cụ thể là bảo đảm lợi nhuận cho nông dân trồng lúa ở mức tương xứng với giá gạo xuất khẩu. Đây chính là yêu cầu quan trọng nhằm tạo dựng mối liên kết bền chặt trong chuỗi ngành hàng lúa gạo; đồng thời cũng là “đòn bẩy” tạo động lực to lớn cho người trồng lúa trong quá trình tiếp cận, áp dụng các xu hướng sản xuất lúa tiên tiến, thông minh để tạo ra các sản phẩm gạo thành phẩm ưu việt, gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, từ đó nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.