Chiều 7/3, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Hiệp định UKVFTA - thương mại xanh và công bằng với Việt Nam", nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu 2 nước tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), đặc biệt trong lĩnh vực thương mại xanh và công bằng - xu hướng phát triển tất yếu của thương mại toàn cầu.
Hội thảo là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (1973-2023).
Điểm sáng UKVFTA
Hiệp định UKVFTA ngoài lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, một mặt tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của 2 nước thâm nhập thị trường của nhau (với Việt Nam là các ngành hàng như: Điện thoại, máy móc, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, sắt thép, cà-phê, hạt điều… Với Vương quốc Anh, đó là lĩnh vực máy móc, dược phẩm, hóa chất, nguyên phụ liệu da giày, ô-tô cũng như các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, vận tải, bán lẻ…).
Mặt khác, với các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, Hiệp định còn là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng, xu thế phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, phát triển xanh đang là xu hướng phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, bền vững của Vương quốc Anh với 507 dự án có tổng số vốn đăng ký đạt gần 4,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, đã có 53 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 134,66 triệu USD từ nhà đầu tư Anh tại thị trường Việt Nam. Vương quốc Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ…
Trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều cả năm tăng 3,3%; trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt như: cà phê (tăng 61%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tăng 56%); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (tăng 59%); giày dép các loại (tăng 40%); hàng dệt may (tăng 36%); dây điện và dây cáp điện (tăng 30%); sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 37%)... Ngoài ra, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Về lĩnh vực đầu tư, Vương quốc Anh hiện có 507 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, đã có 53 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 134,66 triệu USD từ nhà đầu tư Anh tại thị trường Việt Nam. Với kết quả này, Vương quốc Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, trong thời gian tới, Hiệp định UKVFTA sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại 2 chiều cất cánh, do hiệp định này có lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của 2 nước thâm nhập thị trường của nhau.
Mặt khác, với các cam kết liên quan phát triển bền vững, hiệp định còn là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của thương mại toàn cầu trong tương lai.
Phát triển xanh đang là xu hướng phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu.
Bên cạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành công nghiệp Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch chiến lược trong sản xuất, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ /TW của Bộ Chính trị và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Trong đó, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới trong cơ cấu nguồn điện quốc gia; ứng dụng các loại hình công nghệ phát điện sử dụng hydro xanh, amoniac xanh; tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm xanh, hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm xanh được sản xuất từ các nguyên liệu tái chế, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng…
Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng cũng lưu ý rằng, quá trình để đạt mục tiêu về trung hòa carbon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn, đồng thời khẳng định nhận thức này rất quan trọng và các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ vấn đề này.
Tận dụng ưu thế UKVFTA, hướng tới phát triển xanh, bền vững
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Ông Iain Frew, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nhà đầu tư Anh, đang ngày càng quan tâm hơn đối với vấn đề môi trường và khí hậu.
Mặt khác, Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu với hơn 3.000km bờ biển. Do vậy, phía Anh rất vui mừng khi Việt Nam đang trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về tính bền vững, với các cam kết đầy tham vọng của chính phủ tại COP26 nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mới đây nhất, vào tháng 12/2022, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Bỉ dự Hội nghị cấp cao EU-ASEAN, Việt Nam đã cùng Nhóm các đối tác quốc tế trong đó có Vương quốc Anh đưa ra Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), qua đó sẽ huy động 15,5 tỷ USD để đưa ra nhiều hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, qua đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ, cung cấp thông tin cụ thể về cam kết có liên quan trong UKVFTA, chính sách thương mại xanh và công bằng của Anh trong bối cảnh phát triển xanh đang là xu hướng phát triển quan trọng trên toàn cầu, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Đồng thời, thông qua phiên thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi từ phía các doanh nghiệp 2 nước liên quan đến cách thức chuyển dịch sang nền thương mại xanh, bền vững; các tiêu chuẩn và lưu ý về “tiêu chí xanh” đối với hàng xuất khẩu vào thị trường Anh, cũng như hợp tác về năng lượng tái tạo.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, 2 bên đã có các cam kết thực hiện hiệp định này, trong đó ủy ban thực thi UKVFTA đã họp phiên đầu tiên vào tháng 3/2022 để rà soát các vướng mắc, qua đó góp phần cải thiện thực thi hiệp định.
Hướng tới tăng trưởng bền vững và tích cực, 2 bên đã cam kết thúc đẩy thương mại xanh để ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới, trong đó về thương mại môi trường, cam kết trong lĩnh vực xanh và thương mại cân bằng trong hiệp định đã tạo khuôn khổ cho hợp tác 2 bên, chủ yếu tập trung làm giảm “dấu chân carbon” trong các ngành, giúp Việt Nam giảm phát thải carbon, khuyến khích các ngành hàng giảm phát thải.
Khẳng định chìa khóa để Việt Nam giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050 là bứt phá công nghệ, bà Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng ưu tiên trong hiện tại là tập trung vào giao thông và thương mại xanh.
Các doanh nghiệp cần tập trung phát triển hàng hóa, dịch vụ trong môi trường mới, với xu thế thương mại xanh, đặc biệt khi xu hướng thương mại về mặt hàng môi trường của Việt Nam ngày càng được chú trọng, nhất là trong các cam kết của UKVFTA.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).
Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cà-phê, gạo, hoa quả… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.