Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành đề án và đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó chú trọng lĩnh vực sản xuất lúa hữu cơ.
So với sản xuất truyền thống, giá thành sản xuất gạo hữu cơ cao hơn rất nhiều lần, nguyên nhân là do suất đầu tư lớn. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ về giống, phân bón, tập huấn quy trình đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, các hợp tác xã, khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhớ lại, khi “bắt tay” vào sản xuất lúa hữu cơ thì “vấp” phải một số khó khăn như việc vận động người dân dồn điền, đổi thửa, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, một số nông dân không mặn mà với nông nghiệp hữu cơ...
Thậm chí, khi có ruộng rồi lại nảy sinh vấn đề đồng đất cằn cỗi, bạc màu, cây lúa khó có thể sinh trưởng và phát triển theo đúng tiêu chuẩn, vậy là lại phải tiến hành “làm sạch” và cải tạo đất, tức là canh tác vụ lúa đầu coi như không tính toán đến thu nhập, chỉ tập trung bón phân vi sinh và các chế phẩm sinh học, làm cho đồng ruộng trở nên màu mỡ hơn.
Rồi việc kết nối, mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất hữu cơ trên địa bàn cũng rất khó khăn. “Để quá trình sản xuất suôn sẻ, đội ngũ lãnh đạo tỉnh đã phải học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp của rất nhiều địa phương trong cả nước, đến tận nhà máy tìm hiểu công nghệ của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, từ đó xác định được hướng đi và rút ra những bài học kinh nghiệm”, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam mua các sản phẩm phân vi sinh của Nhà máy phân bón Ong Biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để sản xuất lúa hữu cơ, xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Giống, phân bón hữu cơ được cung cấp toàn bộ. Trong quá trình trồng và chăm sóc, các cán bộ khuyến nông đã xuống ba cùng với nông dân, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Ong Biển và tưới nước.
Ðây là loại phân bón sử dụng nguyên liệu đa hữu cơ cao cấp, giàu chất dinh dưỡng từ phế phụ phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản, bùn sinh khối từ các loại chất thải lỏng sinh hoạt, chất thải gia súc, gia cầm, kết hợp bã bùn và mật mía... Nhà máy sử dụng công nghệ thủy sinh với sự tham gia của các vi sinh vật hữu ích bảo đảm các chất hữu cơ được phân giải cao nhất, hạn chế được sâu bệnh và cỏ dại.
Sản phẩm lúa gạo làm ra được Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) bao tiêu toàn bộ. Năm 2019, theo công bố của Trường đại học Hiroshima (Nhật Bản), sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị đã đạt tất cả 545 chỉ tiêu về chất lượng và trong gạo hữu cơ Quảng Trị có chứa hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tác dụng khống chế các bệnh tiểu đường, gút, béo phì. Nhờ đó, “Gạo hữu cơ Quảng Trị” đã trở thành thương hiệu mạnh, phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc và đã được một số thị trường quốc tế quan tâm như: Nhật Bản, Trung Quốc, EU...
Và trong tháng 2 mới đây, sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang châu Âu với giá bán 1.800 USD/tấn. Dự kiến, mỗi tháng QTOrganic sẽ tiếp tục xuất khẩu từ 30 tấn đến 50 tấn gạo hữu cơ sang thị trường này.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tham dự và cắt băng tại lễ xuất khẩu gạo hữu cơ sang thị trường châu Âu. Ảnh: Lâm Quang Huy |
Giám đốc Công ty QTOrganic Phạm Thị Diễm Lệ chia sẻ, việc công ty xuất khẩu sản phẩm gạo hữu cơ vào thị trường khó tính như EU với giá bán cao nhất từ trước tới nay đã chứng tỏ đây là hướng đi đúng, là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp hữu cơ. Rất mong thời gian tới, các ngành, các cấp trong tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ mở rộng vùng sản xuất, duy trì chất lượng, sản lượng, giữ vững thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị.
Đến nay, vùng đất miền tây của các huyện Hướng Hóa, Khe Sanh, Cam Lộ... hay vùng cát ven biển của Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh... ẩn chứa tiềm năng lớn đã dần được “đánh thức”. Tỉnh Quảng Trị tiếp tục duy trì diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ với quy mô gần 200ha, dự kiến tiếp tục mở rộng trong thời gian tới, góp phần bảo đảm sản lượng gạo đủ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xác định đây là thời cơ, thuận lợi của ngành nông nghiệp Quảng Trị, trong đó có sản phẩm gạo hữu cơ, tỉnh đã dồn mọi nguồn lực để hỗ trợ, thực hiện lồng ghép các chương trình như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Để nông dân gắn bó lâu dài với nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Quảng Trị đã có chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa hữu cơ nói riêng.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, dành một phần ngân sách để mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cho nông dân, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống thiết bị, nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến theo quy trình khép kín, đáp ứng các yêu cầu cấp chứng chỉ sản phẩm hữu cơ, VietGAP đối với lúa gạo.
Nghiên cứu cơ chế để hỗ trợ người dân thuận lợi trong vay vốn phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, nâng cao giá trị “đầu ra” cho lúa gạo Quảng Trị... Đưa đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ trẻ về ba cùng với nông dân, chuẩn bị mọi nguồn lực để xây dựng những cánh đồng lớn trong tương lai. Tỉnh cũng cam kết đồng hành nếu xảy ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, sẽ chung tay sẻ chia một phần khó khăn để người dân và doanh nghiệp yên tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ.