Trở về cùng Bảo Lộc

Du lịch tâm linh (Spiritual Tourism) nhằm thanh lọc Thân-Tâm-Trí đã dần trở thành những trải nghiệm đặc biệt với nhiều bạn trẻ. Chọn gửi hồn mình ở thành phố Bảo Lộc để nghe nhịp sống chậm dần trong hương trà thoảng đưa, tôi tận hưởng những rung cảm thẳm sâu nơi vùng đất mang dáng vẻ "thoát tục" này.

Phượng vàng rực rỡ ở Tu viện Bát Nhã. Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN
Phượng vàng rực rỡ ở Tu viện Bát Nhã. Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Bảo Lộc được ví là một thành phố ôn đới, mát mẻ với nhiệt độ trung bình khoảng 21-23 độ C. Ẩn mình trong sương suốt năm, Bảo Lộc lãng đãng tựa tiên cảnh.

Hai ngày một đêm cho cuộc hành trình với hai điểm đến tâm linh là Tu viện Bát Nhã và chùa Linh Quy Pháp Ấn (nằm cách TP Hồ Chí Minh khoảng 180 km), suốt quãng đường bạn sẽ hoàn toàn tận hưởng vẻ đẹp tĩnh lặng và bình an của thiên nhiên với những hàng cây cao san sát nhau, vươn cành mạnh mẽ dưới bầu trời trong xanh.

Tìm về chốn thiền tịch như tranh, bước trên từng bậc thang xanh rêu và từ từ hít thở làn khí trong mát, Tu viện Bát Nhã (thuộc thôn 10, xã Damb’ri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) hiện ra đẹp hiền hoà. Công trình có nét kiến trúc độc đáo mang mầu sắc Á Đông với mái ngói hai tầng cong vút cổ kính, hệ thống cột trụ đều được làm bằng gỗ quý thân to và chắc chắn, chung quanh là những cánh đồng chè mênh mông, tinh khiết và trong trẻo.

Bát Nhã là tên phiên âm từ chữ Prajnâ trong tiếng Phạn cổ, với ý nghĩa là trí tuệ. Tôi may mắn có dịp được đảnh lễ thầy trụ trì. Thưởng thức một tách trà thơm, được sư thầy tận tình nói về những triết lý của nhà Phật, về sự tĩnh lặng để lắng nghe và ngắm nhìn tường tận hơn những sự vật sự việc chung quanh, tôi bỗng đong đầy biết ơn về sự sống, từ những điều nhỏ nhất, trong giờ phút hiện tại.

Hôm sau, trời chưa sáng, tôi đã tìm đến cổng trời tại chùa Linh Quy Pháp Ấn. Ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn núi hiểm trở. Dưới chân núi là một quán cóc nhỏ, nơi đó những người dân địa phương luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc một cách nhiệt thành.

Thêm một quãng đường ngắn dẫn lên chánh điện, chậm rãi bước giữa rừng, khẽ nhẩm theo những câu triết lý nhà Phật được đặt dọc đường đi, tôi thấy sự an lạc nở bừng trên từng bước chân, như lời thầy Thích Nhất Hạnh.

Kiến trúc chùa độc đáo, với chánh điện, giảng đường của Am Pháp Ấn, quán chiếu đường và thư viện. Bên ngoài còn có tam giải thoát môn cùng một số các tịnh thất, nằm rải rác men theo sườn núi. Trong chùa, ánh nắng mịn màng đổ bóng dưới sàn đá phẳng qua những cột gỗ, tạo cảm giác thanh thoát. Quỳ trước tượng Phật từ bi, tôi thấy mình đã trở về với trọn tâm của mình.

Dấu ấn đặc biệt và độc đáo nhất ở đây chính là cổng trời, tượng trưng cho ranh giới giữa thiên giới và trần gian. Khác với cổng trời Torii của Nhật Bản, cổng trời của chùa Linh Quy Pháp Ấn này, chỉ có ai đạt được cảnh giới "Không" mới có thể bước qua.

Đón bình minh dần lên, tôi thấy mọi tạp niệm rối bời được gột rửa dưới ánh mặt trời. Tôi chọn một vị trí thích hợp để ngồi thiền giữa thiên nhiên, rồi trở về với một tiếng chuông chùa uy nghiêm vang vọng, cảm nhận được nguồn năng lượng mới đầy tràn trong cơ thể. Đã thấy lấp ló một mái đền thiêng trong tâm khảm chính mình…